Cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả khiến giấc ngủ trở thành một món quà quý giá. Áp lực công việc, những thiết bị điện tử luôn ở bên cạnh, những lo toan trong cuộc sống đã dần xâm chiếm giấc ngủ của chúng ta. Vậy tại sao giấc ngủ lại quan trọng đến vậy?Tạp chí sức khỏe "Apotheken Umschau" lý giải vì sao giấc ngủ đủ giấc lại quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta.
Ngủ ngon kéo dài tuổi thọ
Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng giúp tăng tuổi thọ. Một nghiên cứu phân tích từ 172.000 bảng câu hỏi của khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ cho thấy rằng những người đàn ông có giấc ngủ tốt sống lâu hơn trung bình gần 5 năm. Với phụ nữ, con số này là hơn 2 năm.
Hormone tăng trưởng trong giấc ngủ sâu
Mặc dù chúng ta dành một phần ba cuộc đời để ngủ, điều này không hề là lãng phí thời gian. Trong lúc ngủ, các quá trình trao đổi chất quan trọng cho sức khỏe tim, tuần hoàn và cơ bắp được củng cố. Đây là thời điểm cơ thể tái tạo tế bào, theo các chuyên gia giấc ngủ. Hormone tăng trưởng được giải phóng trong giấc ngủ sâu, giúp cơ thể phát triển từ khi còn nhỏ và duy trì cấu trúc da, xương cũng như quá trình chữa lành vết thương trong suốt cuộc đời.
Hệ miễn dịch và não bộ cần giấc ngủ mơ
Hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động rất tích cực trong khi ngủ. Chỉ khi chúng ta ngủ đủ, cơ thể mới có thể xử lý các mầm bệnh và chống viêm hiệu quả. Ngoài vai trò bảo vệ cơ thể, giấc ngủ cũng có lợi cho não bộ. Nó giúp giải phóng bộ nhớ khỏi những thông tin quá tải và tạo chỗ trống cho các kiến thức mới. Não bộ của chúng ta phải xử lý hàng loạt thông tin mỗi ngày, và những gì chúng ta học được trong ngày sẽ được lưu trữ vào bộ nhớ dài hạn trong giấc ngủ, kết nối với các thông tin khác. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Chính vì vậy, mức tiêu thụ lượng đường trong máu đạt đỉnh trong giấc mơ, khi các khớp thần kinh trong não trải qua quá trình tái tổ chức mạnh mẽ.
Gen quyết định bạn cần bao nhiêu giấc ngủ
Theo giáo sư tiến sĩ Birgit Högl, người đứng đầu phòng thí nghiệm giấc ngủ tại đại học Innsbruck, lượng giấc ngủ mỗi người cần là khác nhau, nhưng phần lớn nằm trong khoảng từ bảy đến chín giờ mỗi đêm. "Thực tế, rất ít người có thể sống khỏe với giấc ngủ ngắn hơn," bà giải thích. Nhiều người lầm tưởng rằng họ có thể hoạt động tốt với ít giấc ngủ, nhưng thường bỏ qua những hậu quả tiêu cực của việc thiếu ngủ. Ngủ chỉ năm giờ thay vì tám giờ có thể khiến bạn mất tập trung vào ngày hôm sau. Nếu tình trạng này lặp lại, khả năng điều khiển ngôn từ, đưa ra quyết định và thậm chí là khả năng tư duy có thể bị suy giảm rõ rệt, bác sĩ nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!