Tắt bếp từ trước khi thức ăn chín
Đối với bếp ga, bếp điện hay bếp từ, người dùng thường có thói quen tắt bếp khi thực phẩm đã chín. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến thực phẩm bị chín quá so với dự định, vì mặt bếp vẫn sẽ phát nhiệt trong ít phút sau khi tắt, đủ để làm thực phẩm tiếp tục chín.
Do đó, người dùng nên tắt bếp trước một vài phút trước khi thức ăn chín, vừa tiết kiệm điện năng đáng kể cho hóa đơn tiền điện hàng tháng, lại giúp thức ăn chín vừa tới, ngon miệng.
Bật hút mùi thêm vài phút
Nếu như đối với các loại bếp chúng ta nên tắt sớm, thì ngược lại với máy hút mùi, bạn nên bật lâu thêm vài phút sau khi đã tắt bếp và hoàn tất nấu ăn.
Lý do là bởi sau khi nấu, mùi của thức ăn, của bếp, của nồi... vẫn còn phảng phất nhiều trong khu vực nấu nướng. Việc bật hút mùi thêm một vài phút không tốn quá nhiều điện năng tiêu thụ, nhưng giúp khu vực bếp được hút khử mùi tốt hơn và không còn bị "ám" mùi thức ăn khó chịu.
Không để trống tủ lạnh
Tủ lạnh là thiết bị hoạt động 24/24, nó đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ thực phẩm an toàn. Nhiều người vì lý do này nên đã hạn chế đặt đồ ăn vào tủ lạnh, sợ rằng chúng sẽ thêm tốn điện, lại giảm lưu thông không khí.
Tuy nhiên trên thực tế quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Trái lại, sẽ là lãng phí khi để tủ lạnh trống hoặc ít đồ bên trong, bởi tủ lạnh hoạt động với cơ chế làm mát không khí bên trong, khi có ít đồ bên trong nó cần hoạt động nhiều hơn để duy trì độ lạnh ổn định.
Ngay cả khi không có đồ ăn để đặt vào tủ lạnh, người dùng cũng nên lấp đầy các khoảng không đó bằng những chai nước, qua đó giúp tủ lạnh hoạt động hiệu quả hơn.
Dùng lò vi sóng để nướng
Để nướng thực phẩm, người dùng có thể sử dụng lò nướng và lò vi sóng được trang bị tính năng này. Mặc dù lò nướng có công suất lớn hơn, nướng đồ ăn nhanh hơn, và có thể chế biến nhiều món cầu kỳ, đa dạng, song lò vi sóng cũng có nhiều ưu điểm đáng chú ý.
Điển hình trong số đó là khả năng tiết kiệm điện hơn đến 35% nhờ vận hành bằng thanh nhiệt nướng đối lưu, và thậm chí hiệu quả hơn nếu có công nghệ Inverter.
Tận dụng lò vi sóng có nướng cũng là cách giúp bạn không cần mua thêm một chiếc lò nướng chuyên dụng, tiết kiệm diện tích cho không gian bếp, mà vẫn chế biến được món ăn ngon, ngấm vị như khi bạn dùng lò nướng.
Sử dụng nồi cơm để giữ nóng
Sau nấu chín cơm hoặc thực phẩm, người dùng có thể giữ nóng thêm tới 12 giờ mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Phương pháp này phù hợp với những gia đình có bữa ăn giờ giấc thất thường, mà lại không tốn điện hơn quá nhiều so với việc phải dùng nồi cơm hay lò vi sóng để làm nóng lại sau đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!