Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên

Giang Châu-Thứ tư, ngày 22/05/2024 09:26 GMT+7

VTV.vn - Trải qua quá trình được cứu hộ, điều trị và phục hồi tập tính, các cá thể động vật hoang dã đã được trở về với thiên nhiên, đó cũng là hạnh phúc của lực lượng bảo tồn.

Trải nghiệm tái thả động vật hoang dã

Hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường với chuỗi kỷ niệm: Ngày Kiểm lâm Việt Nam 21/5, Ngày Đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường thế giới 5/6, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã tổ chức nhiều hoạt động để cộng đồng hiểu hơn giá trị của rừng và những gì đang xảy ra với động vật hoang dã.

Dưới gốc cây tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi, các khách mời đã chia sẻ những câu chuyện thú vị trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhiều bạn trẻ tỏ ra tò mò khi không thực sự biết rừng ở Việt Nam đang nguy cấp như thế nào, hay các động vật hoang dã được cứu hộ ra sao.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên chia sẻ: "Trước đây, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm VQG Cát Tiên. Khi đứng dưới cây gõ lớn, bác nói: "Một thành phố nguy nga nếu sụp đổ thì 10, 50 năm sau sẽ xây dựng lại được, còn nếu một khu rừng bị mất đi thì có thể sẽ không bao giờ có lại được nữa". Câu nói của bác là kim chỉ nam để chúng tôi hiểu rằng làm được việc gì cho công tác bảo tồn thì đều có ý nghĩa cho hôm nay và mai sau."

Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 1.

Các đại biểu và du khách chụp ảnh lưu niệm với cây tung cổ thụ. (Ảnh: Vườn Quốc gia Cát Tiên)

Sau tọa đàm, Hoa hậu Sinh thái Quốc tế 2021 Bella Vũ (Vũ Huyền Diệu), các em nhỏ và tình nguyện viên đã được thực tế tái thả động vật hoang dã, bao gồm 2 con tê tê Java và 5 con rùa núi vàng. Qua hoạt động này, những người tham gia đã cảm nhận được tầm quan trọng của rừng đối với các loài động vật hoang dã, và vai trò của các loài vật trong sự đa dạng sinh học trên Trái đất.

Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 2.
Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 3.

Các khách mời được cung cấp những kiến thức và kỹ năng để tái thả tê tê.

Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 4.
Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 5.

Giây phút những loài động vật được tự do chơi đùa trong ngôi nhà của mình khiến nhiều người xúc động. (Ảnh: Vườn Quốc gia Cát Tiên)

Nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn

Mỗi năm, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật tiếp nhận khoảng 200 cá thể động vật hoang dã, là nạn nhân từ các vụ săn bắt trái phép hoặc người dân giao nộp, bao gồm 32 loài, chủ yếu là động vật nguy cấp, quý hiếm trong nhóm IB, IIB. Làm việc với động vật hoang dã không hề dễ dàng, thậm chí là mới mẻ đối với đội ngũ trẻ ở đây. Thế nhưng vẫn có những con người đã và đang tiếp tục gắn bó cuộc đời mình với công tác bảo tồn.

Nguyễn Văn Tuấn, một bạn nhân viên thú y trẻ tuổi đã đem lòng yêu mến các loài động vật hoang dã từ khi làm việc tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tuấn thường xuyên đi khắp các tỉnh miền Nam để tiếp nhận thú, sau đó mang về trung tâm để chăm sóc, chữa trị, phục hồi bản năng cho chúng. Trong quá trình làm việc, chàng trai trẻ phải ứng biến linh hoạt, vừa thực hành vừa học hỏi để nâng cao kiến thức về động vật hoang dã. Chia sẻ về một trường hợp đáng nhớ nhất, Tuấn kể: "Mình từng cứu hộ một bạn vượn đen má vàng bị ký sinh trùng rất gầy gò, ốm yếu. Đã thế bạn ấy còn bị một đàn vượn trong thiên nhiên đánh cho rách người, sắp mất mạng. Sau khi mình điều trị gây mê mất khoảng 3 tháng thì bạn ấy hồi phục. Nhìn bạn ấy thương lắm, mình phải chăm sóc đặc biệt, mua trứng cút, trứng gà, trái cây ngon để bồi bổ. Sau đó bạn ấy mập mạp trở lại, mình có thể chạm vào, bắt tay bạn ấy. Khoảnh khắc ấy rất xúc động."

Tái thả tê tê và rùa về ngôi nhà tự nhiên – nỗ lực của những người làm bảo tồn tại VQG Cát Tiên - Ảnh 6.

Bằng tình yêu thương và sự tận tâm của mình, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Tuấn là người gần gũi nhất với các loài động vật đang được cứu hộ tại trung tâm.

Từ khi bắt đầu làm truyền thông số, lượng khách đến với Cát Tiên đã tăng lên đáng kể. Nguồn thu từ du lịch mang đến những phần trợ cấp đáng quý cho đội ngũ thú y, hướng dẫn viên hay lực lượng kiểm lâm. Đây cũng là điều mà ông Phạm Xuân Thịnh – Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên đang nỗ lực cố gắng để làm sao đảm bảo đời sống cho các đồng nghiệp, bởi ai cũng hiểu rằng, họ phải đủ ăn thì mới đủ tâm trí bảo vệ khu rừng. Bên cạnh đó, ông cũng trăn trở khi hiện nay chưa có trường học nào tại Việt Nam đào tạo ngành cứu hộ động vật hoang dã, mặc dù đây là lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo tồn. Tin vui là tháng 1/2024, VQG Cát Tiên đã hoàn tất hồ sơ trình Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đánh giá công nhận Danh lục Xanh. Đây là bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 hàng năm được diễn ra với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống và quyết định trong mọi phát triển của loài người trên Trái Đất, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Năm nay, Liên hợp quốc phát động Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 với chủ đề "Be part of the Plan" - "Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học". Đây lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ "Phục hồi hệ sinh thái", tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các khu vực được công nhận Di sản thiên nhiên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước