Những tiếng máy dệt lạch cạch, những con người cần cù chăm chỉ đã tạo nên những chiếc khăn choàng độc đáo tại làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng bà con vẫn cố gắng gìn giữ công việc của cha ông mình...
Khi bước vào làng nghề, âm thanh đầu tiên nghe được chính là tiếng của những khung dệt. Ngay từ sớm, hoạt động của làng nghề đã tất bật. Tùy theo điều kiện và khả năng, mỗi hộ sẽ phụ trách một công đoạn riêng.
Một sản phẩm khăn choàng truyền thống
Ngoài những sản phẩm khăn choàng truyền thống, nhiều hộ dân của làng nghề đã đầu tư thiết bị máy móc để làm ra nhiều sản phẩm mới như: áo dài, túi đựng đồ... đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài địa phương.
Dù đi đâu, làm gì thì bà con làng nghề vẫn không thể nào quên được nghề truyền thống đã hình thành và phát triển từ hơn 100 năm qua.
Trong khi nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một thì làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vẫn phát triển. Đến nay còn hơn 60 hộ tham gia công việc này. Với bà con, đó là công việc của cha ông cần phải được gìn giữ.
Nhiều hộ dân của làng nghề đã đầu tư thiết bị máy móc để làm ra nhiều sản phẩm mới
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (nghề thủ công truyền thống) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hiện tại, huyện Hồng Ngự triển khai nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm (nhuộm vải, quay tơ, dệt máy, dệt tay…) tại làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A, đồng thời kết hợp phát triển quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!