Thừa Thiên Huế có thêm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thu Trang - Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế-Thứ hai, ngày 12/08/2024 18:58 GMT+7

VTV.vn - Tri thức May mặc, Áo dài Huế vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2024.

Ngày 09/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024, trong đó có Tri thức May mặc, Áo dài Huế thuộc loại hình Tri thức dân gian.

Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Áo dài truyền thống, lưu lại những giá trị văn hóa di sản tiêu biểu, đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Hình ảnh áo dài đã được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, riêng có của miền núi Ngự, sông Hương.

Thừa Thiên Huế có thêm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Áo dài là di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế

Song song cùng quá trình phát triển của tà áo dài, phải kể đến nghề may đo áo dài, một nghề nghiệp khá đặc trưng và nổi bật tại Huế. Áo dài Huế có nét đặc trưng riêng biệt so với những nơi khác bởi sự trau chuốt từ bàn tay của những người thợ may và đội ngũ thiết kế được truyền thừa tinh hoa từ các Chúa Nguyễn cho đến bây giờ. Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được người thợ chăm chút cẩn thận. Chiếc áo dài theo đó không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa Huế.

Thừa Thiên Huế có thêm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Áo dài Huế đặc biệt bởi kỹ thuật cắt may khéo léo của các nghệ nhân

Đội ngũ thợ may áo dài Huế cũng hùng hậu với hàng trăm người, trong đó có nhiều nghệ nhân lành nghề là truyền nhân nhiều đời của các thương hiệu áo dài Huế nổi tiếng như: Tân Nghiệp, Minh Tân, Mỹ Lệ, Thẩm, Hùng, Đoan Trang, Phúc, Thảo Trang, Viết Bảo, Quang Hòa, Thanh Châu, Xuân Thi, Phương Hoa, Thùy Trang, Cuộc...

Thời gian qua, nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc áo dài truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống cũng như đề ra những giải pháp quản lý để bảo tồn, phát huy giá trị áo dài…

Nghề May mặc, Áo dài Huế đã trở thành di sản phi vật thể quốc gia thứ 5 của Thừa Thiên Huế bên cạnh Ca Huế, Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người Tà Ôi, Nhã nhạc Cung đình và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô.

Ấn tượng hội họa trong tà áo dài Huế Ấn tượng hội họa trong tà áo dài Huế

VTV.vn - Tối 30/4, lễ hội áo dài rất độc đáo mang tên "Hội họa Huế và áo dài" đã diễn ra tại cầu Trường Tiền, thành phố Huế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước