Hầu hết các tổn thương gây ra bởi những chất độc trong thuốc lá sẽ tiêu tan sau 5 năm bỏ thuốc, nhưng vẫn có một số chất độc sẽ lưu lại mãi mãi, làm tăng khả năng phát triển nhiều bệnh liên quan đến hút thuốc lá ngay cả khi bạn đã bỏ thuốc lá. Những tổn thương kéo dài này được tạo ra bởi quá trình methyl hóa, là quá trình biến đổi ADN thông qua bất hoạt một gene hoặc thay đổi hoạt động của nó trong cơ thể.
Về cơ bản, đây là một quá trình bình thường được ADN thực hiện để đảm bảo mọi thứ trong cơ thể hoạt động đúng trật tự, ở nơi chúng cần đến. Nhưng khi các gene bị buộc phải methyl hóa, nó sẽ để lại tổn thương lâu dài. Điều này có nghĩa là khi hút thuốc, ADN của bạn sẽ bị biến đối vĩnh viễn về mặt vật lý bởi những chất độc trong điếu thuốc.
Nghiên cứu đã xem xét các mẫu máu lấy từ 16.000 người từ năm 1971. Những người hút thuốc trong nhóm này đều có một mô hình rất nổi bật: methyl hóa do thuốc lá ảnh hưởng đến hơn 7.000 gene trong cơ thể, chiếm 1/3 tổng số gen của người. Cả bệnh tim và nhiều loại bệnh ung thư cũng có thể liên quan đến những gene bị ảnh hưởng bởi hút thuốc, điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể liên hệ trực tiếp những bệnh nguy hiểm này với thủ phạm của chúng là thuốc lá.
Mặc dù tin tức này rất đáng sợ đối với những người đang hoặc đã từng hút thuốc lá, song tin tốt là một khi bỏ thuốc lá, phần lớn tổn thương sẽ dần biến mất. Cụ thể, khi bạn ngừng hút thuốc, phần lớn các tín hiệu methyl hóa ADN sẽ trở lại mức độ như của người không hút thuốc sau năm năm, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang tự chữa lành khỏi những khía cạnh có hại của việc hút thuốc lá.
Nhưng đừng vội mừng, vì những người đã bỏ thuốc không phải là đã ngoài vòng nguy hiểm. Có một phần nhỏ của bộ gen sẽ vẫn bị tổn thương lâu dài sau khi bạn đã bỏ thuốc – chừng 19 gen - bao gồm gen TIAM2, có liên quan đến sự phát triển của u lymphom. Điều này có thể kéo dài 30 năm trong tế bào, làm tăng nguy cơ ung thư và nhiều bệnh khác có thể bị thay đổi bởi 18 gen khác mà khói thuốc lá đã làm hư hại thông qua methyl hóa.
Viện Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ nơi tiến hành nghiên cứu đã thừa nhận tầm quan trọng của những phát hiện này trong việc giúp đỡ mọi người trong tương lai. Họ tin rằng sẽ có thể dự đoán được những người nào có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, cũng như tìm ra các thuốc giúp khắc phục tổn thương do thuốc lá gây ra.
Trước khi châm điếu thuốc, hãy nghĩ về những gì bạn đang làm cho chính mình. Không chỉ bây giờ, mà còn trong tương lai – và nguy cơ bệnh tim và ung thư cao hơn bình thường mà bạn có thể truyền sang cho con cháu qua ADN.
Phát động cuộc thi làm phim ngắn về phòng chống tác hại thuốc lá:
Quỹ Phòng chống Tác hại Thuốc lá (VINACOSH) phối hợp với Báo Điện tử VTVNews phát động cuộc thi làm phim ngắn (3 phút) về phòng chống tác hại thuốc lá.
Đối tượng: Học sinh từ 13 - 18 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Thời gian tiếp nhận tác phẩm: Từ 01/11/2018 đến 30/01/2019 (tính theo thời gian hiện trên dấu tem bưu điện hoặc ngày chuyển email).
Cuộc thi sẽ có 15 giải thưởng: 01 giải Nhất: 8.000.000 VNĐ; 02 giải Nhì: 5.000.000 VNĐ; 03 giải Ba: 3.000.000 VNĐ; 05 giải khuyến khích: 1.500.000 VNĐ.
Sản phẩm dự thi có thể quay bằng thiết bị liên lạc cầm tay, máy ảnh, máy quay không chuyên dụng hoặc máy quay chuyên dụng với tín hiệu HD. Sản phẩm dự thi gửi về Ban Tổ chức dưới dạng đĩa DVD hoặc qua email của Ban Tổ chức với đầy đủ thông tin họ và tên, trường, lớp và số điện thoại liên lạc
Điểm tiếp nhận sản phẩm dự gửi về: Mr Phạm Trọng Phòng (Email: phongvtvnews@gmail.com)
Hoặc gửi DVD trực tiếp về địa chỉ: Báo Điện tử VTV News, tầng 24, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!