Ngang qua Ninh Thuận, hai du khách trẻ đã dừng lại và tìm đến một gia đình làm gốm ở làng Bàu Trúc. Họ dành nửa ngày ở đây để trải nghiệm làm gốm Chăm.
Được các nghệ nhân hướng dẫn, cuối cùng, Long cũng làm được chiếc bình gốm theo ý tưởng của mình. Đây sẽ là vật lưu niệm rất đáng quý đối với Long. Nhưng, hơn hết vẫn là những trải nghiệm mà không dễ có được ở những điểm du lịch khác.
Anh Phạm Văn Long (du khách) cho biết: "Khi mình nhìn ở bên ngoài thì thấy dễ, nhưng đụng tay vô thì mới thấy nghề này rất khó".
Du khách trải nghiệm làm gốm Chăm ở làng Bàu Trúc
Ông Đoan, người làng Bàu Trúc, nhiều năm qua tìm cách giữ lửa cho làng gốm Chăm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Cùng với việc lập hợp tác xã chế tác sàn phẩm gốm mỹ nghệ, gần đây, ông Đoan thực hiện ý tưởng là dựng lại không gian xưa cũ của một gia đình làm gốm.
Ngôi nhà vách đất, bên trong mát rượi, những nhạc cụ của người Chăm, rồi những đồ vật mà ngày trước người Chăm thường dùng, có cả chiếc xe đạp cũ kỹ mà trước đây, người làng Bàu Trúc thường chở đồ gốm đi bán…
Trong không gian này, du khách dễ dàng thích thú với gốm Chăm, để rồi ai cũng muốn được một lần trải nghiệm làm gốm.
Cuối năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Một trong những hướng để bảo tồn là gắn kết nghề gốm với du lịch. Qua du khách, gốm Chăm đi xa hơn. Bởi, bất cứ ai một lần tự tay làm ra đồ gốm theo cách làm của người Chăm thì cũng thấm thía hơn giá trị của gốm Chăm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!