Bạn nghĩ rằng chỉ cần không để con trẻ đặt điếu thuốc lá lên môi cũng có thể đảm bảo an toàn cho chúng? Nếu vậy thì bạn đã nhầm rồi, chỉ cần có sự tiếp xúc với khói thuốc, dù trực tiếp hay gián tiếp thì trẻ cũng đều sẽ bị ảnh hưởng. Những gì con trẻ phải chịu khi tiếp xúc với khói thuốc chắc chắn sẽ vượt qua những gì bạn nhầm tưởng.
Hãy cùng nghĩ đến từng giai đoạn phát triển của trẻ. Khi còn trong bào thai, nếu người mẹ hút thuốc lá thì những chất độc sẽ trực tiếp tấn công vào thai nhi, gây nên những hệ luỵ như nguy cơ xảy thai, trẻ bị thiếu chất, sinh non… Trong trường hợp người mẹ hút thuốc lá thụ động thì những nguy cơ trên vẫn xảy ra. Việc mang thai trong môi trường đầy khói thuốc sẽ khiến đứa trẻ phát triển không khỏe mạnh, thậm chí tăng khả năng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Khi trẻ được sinh ra, trong những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch còn rất non yếu, chắc chắn cơ thể sẽ không thể nào kháng cự lại được những chất độc có trong khói thuốc lá phát tán tại môi trường. Bạn có thể tưởng tượng, hàng chục chất độc tăng khả năng gây ung thư cũng đủ khiến 1 người trưởng thành gục ngã, vậy một đứa trẻ sơ sinh sẽ ra sao khi phải tiếp xúc với những chất độc này hàng ngày?
Nền y tế đã chỉ ra, việc tiếp xúc với khói thuốc lá hàng ngày không chỉ khiến trẻ tăng nguy cơ đột tử trong 1 năm đầu đời mà còn tăng khả năng mắc các bệnh về hô hấp mạn tính, bệnh về phổi và tim mạch, bệnh ung thư, viêm tai giữa và giảm trí thông minh trong quá trình trưởng thành.
Khi trẻ đang bắt đầu bước vào độ tuổi nhận thức và ghi nhớ, việc nhìn thấy người thân trong gia đình hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ. Trẻ sẽ cho rằng đấy là việc bình thường, có thể sẽ bắt chước theo người lớn, đây là việc hết sức nguy hiểm. Ngoài ra, sống trong môi trường khói thuốc càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh ung thư của trẻ càng cao, thậm chí là gấp 2-8 lần so với người lớn.
Bạn nên nhớ rằng,việc hút thuốc lá thụ động, phơi nhiễm với khói thuốc không nhất thiết xảy ra khi bạn hút thuốc trong phòng có trẻ nhỏ. Cho dù bạn đã dập tắt điếu thuốc đi chăng nữa, những chất độc trong khói thuốc vẫn bám trên vật dụng, tường, sàn nhà, quần áo, da dẻ, chúng sẽ đi vào cơ thể trẻ thông qua tiếp xúc trực tiế pnhư cầm nắm.
Khi trẻ ở giai đoạn dậy thì, vị thành niên, chúng có thể học theo người lớn để phì phèo điếu thuốc. Tiếp tục vòng lặp hút thuốc lá thụ động cho những người xung quanh.
Có thể thấy, hút thuốc lá thụ động sẽ ảnh hưởng đến trẻ ở bất cứ giai đoạn nào, cả về sức khỏe lẫn tinh thần và nhận thức. Hãy đảm bảo môi trường sống của con trẻ được sạch khói thuốc lá ngay từ bây giờ!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!