Cách TP. Đà Lạt chừng 30km, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) mang vẻ đẹp mê hoặc của những rừng thông bạt ngàn. Đi sâu vào trong, Vườn còn có những kiểu rừng đa dạng khác: rừng lá rộng, rừng hỗn giao lá rộng lá kim, rừng tre nứa và khu vực tràng cỏ. Với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, Bidoup - Núi Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2015), Vườn di sản ASEAN (2019) và trở thành cung đường trekking ưa thích của những ai đam mê khám phá.
Rời khỏi vòng quay bộn bề của cuộc sống thành thị, bước chân của du khách sẽ nhẹ nhõm hơn khi được băng qua những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tâm trí và cơ thể được thả lỏng và dễ chịu hơn với hương thơm từ tinh dầu thông tự nhiên. Bidoup – Núi Bà được mệnh danh là vương quốc của các loài lan với 325 loài. Bên cạnh đó, hơn 400 loài nấm, 400 loài rêu cũng đã được tìm thấy tại đây. Mảnh đất này còn được xem là "Vùng chim quan trọng của thế giới" với 301 loài đã được ghi nhận. Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, tiết trời vào xuân, du khách có thể bắt gặp đỗ quyên và lan rừng nở rộ - một cảnh tượng diệu kỳ tựa như bối cảnh rừng già trong những câu chuyện cổ tích.
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được đặt tên theo hai ngọn núi cao nhất trên cao nguyên là núi Bidoup và Núi Bà.
Theo chia sẻ của một du khách đã trải nghiệm trekking quãng đường 27km ở VQG Bidoup – Núi Bà, trong rừng thông có nồng độ oxy và ozone cao, không khí thực sự trong lành khiến con người cảm thấy được thư giãn. Đặc biệt, nhân viên của ban quản lý rừng trực tiếp dẫn khách đi nên có sự hiểu biết sâu sẽ đáp ứng được các câu hỏi: "cây gì?", "con gì?", "công dụng ra sao?". Cung này được khuyên cho những ai muốn "dấn thân’’ vào trekking trước khi đến với các cung khó hơn ở Tây Bắc.
Với độ khó khác nhau, tour chinh phục đỉnh Bidoup dành cho mọi đối tượng với hành trình từ 1 – 2 ngày.
Cây Pơ mu cổ thụ hơn 1300 năm tuổi được nhiều du khách khao khát chinh phục.
Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà chia sẻ: "Đặc trưng của du lịch ở VQG Bidoup - Núi Bà là trải nghiệm về thiên nhiên, dựa vào cộng đồng. Hiện nay, nhóm cộng đồng có khoảng 40 người đang là cộng tác viên tham gia vào các hoạt động du lịch cùng VQG. Họ rất vui vì được làm công việc gắn với bản sắc văn hóa, thiên nhiên và có thêm thu nhập. Du khách cũng yêu thích sự mộc mạc của các hướng dẫn viên địa phương. Trước đây, người dân hay tùy tiện sử dụng các sản vật trong rừng, nhưng qua hoạt động du lịch, họ biết thêm giá trị của thiên nhiên, môi trường, từ đó tuyên truyền cho gia đình, làng xóm biết bảo vệ rừng."
Dưới đêm trăng, du khách được hòa mình vào từng tiếng cồng chiêng, từng điệu múa gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng bản địa như: thú vui đi hái rau, xúc tôm cá của các cô gái K' ho; các chàng trai cũng khoe sự dẻo dai, khỏe khoắn của mình qua điệu múa Trâu....
Với thời gian 8 năm làm việc ở Vườn quốc gia, hiện anh Kơ Să En Luy đang là cán bộ du lịch sinh thái, phụ trách duy trì và phát triển nhóm du lịch cộng đồng. Anh hào hứng chia sẻ: "Khi có du khách liên hệ và mong muốn được xem cộng đồng trình diễn, chúng mình rất vui và tự hào vì được đem văn hóa của mình giới thiệu cho bạn bè du khách gần xa hiểu hơn về người K'ho. Ngoài ra đây còn là cơ hội để tạo nên sự gắn kết giữa các thể hệ thông qua buổi giao lưu cồng chiêng, giúp cho các thế hệ tiếp nối biết rõ hơn về giá trị và cách gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Và cuối cùng, đây là dịp để các nền văn hóa có sự giao thoa, anh chị em cộng đồng địa phương được tiếp nhận những điều mới mẻ."
Buổi tối văn nghệ ấm áp và rộn ràng.
Theo Ban quản lý VQG Bidoup – Núi Bà, du lịch dã ngoại tăng trưởng mỗi năm, đến nay bình quân mỗi năm Vườn đón 10.000 lượt khách. Tuy nhiên đây cũng là loại hình kén khách chứ chưa phải du lịch đại chúng. Vườn đã tăng cường kết nối với các công ty du lịch ở Đà Lạt và các trường học để tổ chức hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm, khám phá Vườn quốc gia. Sắp tới khi Hộ chiếu Vườn quốc gia chính thức được kích hoạt sẽ kích thích người dân tìm hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và có trách nhiệm hơn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!