Tại miền bắc nước Pháp, những người mang bệnh tật hay ốm đau hay để lại quần áo trên những cây “chữa lành” với tên gọi "arbres à loques". Tập tục này biểu trưng cho hy vọng hồi phục sức khỏe, bắt nguồn từ một truyền thống tồn tại từ thời tiền La Mã. Thế nhưng trong giai đoạn gần đây, người dân địa phương đã nhận thấy những thay đổi đáng chú ý.
Tại những chiếc cây mang theo ước nguyện của người dân ở vùng Hasnon, Đông Bắc của Lille, người ta có thể bắt gặp nhiều khẩu trang y tế treo lủng lẳng, xen lẫn với những món đồ phục trang bình thường như tất hay đồ lót. Số quần áo này thường được để lại bởi những người cầu mong may mắn trong việc sinh nở.
Ông Bertrand Bosio, người quản lý một hội nhóm trên mạng xã hội liên quan đến vùng dân cư này chia sẻ: “Nét thay đổi, tiến bộ mới của năm 2020 chính là khẩu trang ngăn ngừa COVID-19”. Theo ông, những chiếc mặt nạ này được treo lên bởi những người không nhiễm bệnh để cầu mong sức khỏe, chứ ít có khả năng là người bệnh bởi họ đã phải cách ly riêng với cộng đồng.
Ở Ireland, những cái cây này được gọi là “cây giẻ lau”. Đây là một trong số những vùng mà tập tục này còn được duy trì. Các cây arbres à loques là một truyền thống của đạo pagan và chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo. Tuy vẻ ngoài của những cái cây này không bắt mắt cho lắm, chúng vẫn là một biểu tượng mang hy vọng đến nhiều người, theo lời Bosio.
Ông nói: “Điều thú vị về nơi này đó là tập tục này vẫn được tích cực tiếp nối ngay trong thời đại của chúng ta. Người dân tìm đến các cây chữa lành khi thuốc men không thể giúp ích gì hơn, và khi khoa học phải bó tay trước tình trạng của người bệnh”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!