Trung Quốc xây dựng “mặt trăng nhân tạo” để thí nghiệm trọng lực

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ ba, ngày 18/01/2022 14:00 GMT+7

(Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Các nhà khoa học tại Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một cơ sở nghiên cứu “mặt trăng nhân tạo”, cho phép họ mô phỏng môi trường có trọng lực thấp bằng cách sử dụng từ tính.

Cơ sở này dự kiến sẽ được ra mắt chính thức trong năm nay. Được biết, cơ sở nghiên cứu này sẽ sử dụng từ trường mạnh bên trong một buồng chân không có đường kính 60cm để làm trọng lực biến mất. Cơ chế hoạt động kể trên lấy cảm hứng từ thí nghiệm dùng nam châm làm “bay” một con ếch đã thành công trước đó.

Li Ruilin – kỹ sư địa kỹ thuật tại Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc cho biết khoang chứa đầy đá và bụi để mô phỏng bề mặt mặt trăng tại Trung Quốc là “loại hình đầu tiên trên thế giới” và nó có thể duy trì điều kiện trọng lực thấp bao lâu tùy ý muốn của người nghiên cứu. Các nhà khoa học dự định sử dụng cơ sở này để thử nghiệm công nghệ trong môi trường trọng lực thấp kéo dài trước khi các loại công nghệ này được thực sự đưa lên mặt trăng – nơi có trọng lực chỉ bằng 1/6 trọng lực Trái Đất, từ đó giúp khắc phục mọi sai sót kỹ thuật và đánh giá khả năng tồn tại.

Theo các nhà nghiên cứu, nguồn cảm hứng cho mô hình này đến từ Andre Geim – một nhà vật lý tại Đại học Manchester ở Vương Quốc Anh – người đã giành giải Nobel năm 2000 với công trình làm một con ếch bay lơ lửng bằng nam châm. Các cuộc kiểm tra được tiến hành trong cơ sở nghiên cứu sẽ được sử dụng làm nền tảng cho chương trình khám phá mặt trăng của Trung Quốc Chang’e – tên gọi lấy cảm hứng từ tên Nữ thần Mặt trăng của đất nước này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước