Tính đến ngày 1/1/2021, kính viễn vọng Hubble đã chính thức cán mốc 1 tỷ giây làm nhiệm vụ ngoài không gian, tức là khoảng 31,7 năm. Chiếc kính nổi tiếng này được phóng vào ngày 24/4/1990 trên tàu con thoi Discovery. Ngay hôm sau, nó đã được triển khai vào quỹ đạo và bắt đầu sứ mệnh khám phá vũ trụ rộng lớn, bao gồm các thiên hà xa xôi, siêu tân tinh, tinh vân…
Các nhà khoa học tại NASA cho biết nhân dịp kỷ niệm cột mốc đặc biệt này của Hubble: “Trong hơn 3 thập kỷ, Hubble đã cung cấp cho chúng tôi những khám phá khoa học đột phá và nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng về vũ trụ”.
Kính viễn vọng không gian Hubble là một sứ mệnh chung của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Từ năm 1993 đến năm 2009, các phi hành gia đã đến thăm nó tổng cộng 5 lần trong khuôn khổ các dự án tàu con thoi được phóng lên. Các sứ mệnh này đã sửa chữa, nâng cấp và thay thế nhiều linh kiện trong Hubble như pin, con quay hồi chuyển…
Nằm trên bầu khí quyển của Trái Đất, Hubble đã thực hiện hơn 1,5 triệu quan sát trong hơn 30 năm hoạt động. Theo NASA, hàng nghìn bài báo đã được xuất bản dựa trên những khám phá của chiếc kính thiên văn này. Một số thành tựu quan trọng nhất của Hubble phải kể đến xác định được tốc độ giãn nở và tuổi của vũ trụ (13,8 tỷ năm), khám phá mặt trăng thứ 5 của sao Diêm Vương, phát hiện các lỗ đen siêu lớn ở trung tâm hầu hết các thiên hà lớn, nghiên cứu ảnh hưởng của thấu kính hấp dẫn…
“Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng những thành tựu, khám phá trong một tỷ giây tiếp theo mà những chiếc kính thiên văn mới như James Webb hay Nancy Grace Roman sẽ phát hiện ra khi đồng hành cùng với Hubble” – các nhà khoa học tại NASA cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!