Tỷ lệ thanh thiếu niên mắc chứng “trầm cảm” tăng gấp đôi do đại dịch

Mai Linh (theo CNN)-Thứ bảy, ngày 14/08/2021 06:00 GMT+7

(Ảnh: CNN/Getty Images)

VTV.vn - Bắt nguồn từ sự gián đoạn nhiều thói quen do đại dịch, các chứng bệnh nguy hiểm về tâm lí xuất hiện ở lứa tuổi thiếu niên gia tăng đáng báo động.

Mới đây, một nghiên cứu thực nghiệm về các chứng bệnh tâm lí như trầm cảm, lo âu đã được tiến hành rộng rãi ở nhiều khu vực trên thế giới bao gồm Đông Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Trung và Nam Mỹ. Tổng số hơn 80.000 người trong độ tuổi từ 4 đến 17 tham gia vào quá trình nghiên cứu đã cho thấy rằng, tỷ lệ thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm, lo âu đã tăng lên gấp đôi so với thời gian trước khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Theo kết quả của nghiên cứu, cứ 4 người tham gia thì có 1 người phải “trải qua các triệu chứng trầm cảm lâm sàng gia tăng” và 1/5 trong tổng số 80.000 người được nghiên cứu mắc phải các vấn đề về lo âu kéo dài. Từ kết quả đã kể trên, tác giả của nghiên cứu - Sheri Madigan, phó giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Calgary nhận định: “Đại dịch có khả năng đã kích động một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trên phạm vi toàn cầu ở thanh thiếu niên”.

Cũng theo nghiên cứu này, những đứa trẻ ở độ tuổi lớn dễ mắc phải các chứng bệnh tâm lí hơn các bé nhỏ tuổi bởi bên cạnh tác động của đại dịch, họ còn phải chịu tác động của các biến đổi tâm sinh lí. Ngoài ra, tỉ lệ trầm cảm và lo lắng cũng được phát hiện ở nữ giới nhiều hơn nam.

Những chứng bệnh nguy hiểm này có thể là kết quả của sự phân tách, cô lập khỏi xã hội trong thời gian dài, sự bỏ lỡ nhiều cột mốc quan trọng và sự gia tăng của các vấn đề tài chính gia đình,… Những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực có thể góp phần làm xuất hiện nhiều triệu chứng của căn bệnh trầm cảm ở trẻ như buồn bã, luôn thèm ăn và ngủ, mất hứng thú với mọi thứ, sợ hãi, lo lắng, đồng thời không kiểm soát được những điều rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không được giải quyết kịp thời, những chứng bệnh tâm lí này có thể dẫn dắt đến suy nghĩ tự tử ở thanh thiếu niên.

Để giải quyết các vấn đề kể trên, việc tiếp diễn những thói quen hàng ngày của trẻ trước đại dịch là điều vô cùng quan trọng. Cha mẹ có thể giúp đỡ con cái mình vượt qua cuộc khủng hoảng tâm lí bằng cách theo dõi sát sao những thói quen ăn uống, nghỉ ngơi cũng như sự biến đổi của tâm trạng trẻ để đưa ra phán đoán và cách giải quyết phù hợp. Trong trường hợp xuất hiện những biểu hiện bất thường, một cuộc gặp gỡ với chuyên gia tâm lí là điều tiên quyết nên làm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước