Xóa bỏ bạo lực và bất bình đẳng giới

Hương Huyền-Thứ bảy, ngày 23/11/2024 17:59 GMT+7

Một hoạt động trong chuỗi sự kiện The Orange Team (Ảnh: BTC)

VTV.vn - Ngày 25/11 được Liên hợp quốc lựa chọn làm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Còn ở Việt Nam, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm.

Những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế… trong cuộc đời. Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, khoảng 61% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc biết được việc xảy ra bạo lực trong gia đình. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục cũng nói rằng, con cái họ (5 - 12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, y tế, giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Xóa bỏ bạo lực và bất bình đẳng giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW) và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs. Việt Nam cũng là một trong 13 quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương đã có Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Các chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng các nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự tham gia bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh.

Những năm qua, một trong những chiến dịch thu hút được sự quan tâm chú ý của công chúng nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đó là chương trình The Orange Team do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) thực hiện, hướng tới những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng. Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là không thể chấp nhận và có thể phòng ngừa được. “Sự tham gia của những người nổi tiếng là rất quan trọng vì họ có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Họ có thể làm gương, trở thành những hình mẫu tích cực cho những người hâm mộ trong việc thay đổi các chuẩn mực và định kiến giới, đồng thời truyền đi thông điệp tích cực về chia sẻ, bình đẳng và tôn trọng”, bà Caroline Nyamayemombe cho biết thêm. Sự chung sức của nhóm người có tầm ảnh hưởng đến nhiều cộng đồng khác nhau cũng hứa hẹn sẽ có thêm thật nhiều cánh tay nối dài để truyền đi thông điệp “Nói không với bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, từ đó, hướng tới thay đổi hành vi cá nhân nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trên không gian trực tuyến.

Xóa bỏ bạo lực và bất bình đẳng giới - Ảnh 2.

Người nổi tiếng cùng tham gia nâng cao nhận thức và kiến thức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: BTC)

Màu cam được chọn là màu của Chiến dịch toàn cầu về chấm dứt bạo lực giới vì đây là màu sắc tươi sáng, mang lại niềm hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Đây cũng là màu sắc gây sự chú ý cao, thể hiện cấp độ nguy hiểm và đáng báo động của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan nhằm xóa bỏ vấn nạn này.

Bình đẳng giới - Góc nhìn từ hai phía

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có nêu rõ mục tiêu “Tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội…”. Tuy nhiên, khi nhắc tới bình đẳng giới, suy nghĩ phổ biến vẫn là trao quyền, tăng quyền cho phụ nữ vốn được xem là phái yếu, là đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội - từng nhận định rằng, bình đẳng giới sẽ là “khập khiễng” nếu chỉ quan tâm đến phụ nữ mà bỏ qua đàn ông. Những quan niệm truyền thống về các phẩm chất nam tính như mạnh mẽ, bản lĩnh cùng đòi hỏi về gánh vác vai trò trụ cột kinh tế, công danh sự nghiệp… khiến nam giới gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Từ đó có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực, phản kháng hoặc bạo lực từ phía nam giới khi cho rằng bị thách thức về danh dự, sĩ diện trước những người phụ nữ (có thể là vợ, bạn gái, đồng nghiệp…) giỏi giang hơn, có khả năng kiếm tiền hoặc địa vị cao hơn.

Trong xã hội hiện đại, khi mà vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày một được chú trọng thì với nam giới, đây vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Thống kê cho thấy, mặc dù số phụ nữ mắc chứng trầm cảm nhiều gấp đôi nam giới nhưng tỷ lệ tự tử ở nam giới lại cao gấp 4 lần so với nữ giới. Do chịu ảnh hưởng của quan niệm truyền thống, nam giới khó tìm ra cách thích hợp để giải tỏa áp lực và thường lựa chọn cách im lặng. Tư tưởng tâm lý gắn liền với "nam tính", "đàn ông con trai phải mạnh mẽ" vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, từ đó tác động xấu đến sức khỏe tinh thần. Việc phụ nữ khóc ở mọi nơi là có thể chấp nhận được, nhưng đàn ông thì không dễ dàng làm như vậy. Đàn ông có thể chọn cách che giấu cảm xúc hoặc triệu chứng của mình. Họ cố gắng hành động mạnh mẽ khi đối mặt với áp lực xã hội, dẫn đến việc các vấn đề sức khỏe tâm thần không được quan tâm đầy đủ, có thể bị trầm trọng thêm. Việc tránh tìm kiếm sự hỗ trợ có khi dẫn đến những hành vi nguy hiểm như nghiện ngập và tự tử.

Xóa bỏ bạo lực và bất bình đẳng giới - Ảnh 3.

Bình đẳng giới nên nhìn từ cả hai phía (Ảnh minh họa)

Khi xem xét vấn đề bạo lực gia đình, “nạn nhân” thực tế có thể là bất cứ ai. Áp lực kiếm tiền, sự kiểm soát, ghen tuông, những đòi hỏi về trách nhiệm… còn khiến không ít nam giới cảm thấy bị bạo hành tâm lý do thiếu sự đồng cảm, tin tưởng và thấu hiểu từ bạn đời.

Nếu như thế giới đã có ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 từ hơn 100 năm qua thì khái niệm về ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 vẫn còn khá mới mẻ. Ngày này hiện được nhiều quốc gia hưởng ứng với với mong muốn truyền bá nhận thức về hạnh phúc của nam giới và tôn vinh những đóng góp tích cực của họ đối với thế giới, gia đình và xã hội cũng như khích lệ phái mạnh sống một cuộc sống có giá trị, chú trọng hơn tới các vấn đề sức khỏe.

Nghệ sỹ Việt cùng chung tay kêu gọi xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em Nghệ sỹ Việt cùng chung tay kêu gọi xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ Nâng cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới Nâng cao vai trò của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước