Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê

Giang Châu-Thứ tư, ngày 07/08/2024 06:37 GMT+7

VTV.vn - Hướng tới tính bền vững và thân thiện với môi trường, ngày càng nhiều người ưu tiên sử dụng các sản phẩm "xanh", được làm thủ công từ mây, tre, cói, bèo...

Những món đồ thủ công làm từ mây, tre, cói, bèo như: túi cói, đĩa mây, giỏ bèo đang được rất nhiều người ưa chuộng. Không chỉ mang hơi thở mộc mạc của làng quê Việt Nam, sản phẩm vẫn có nét phù hợp nhịp sống của đời sống hiện đại.

Người tiêu dùng không chỉ sử dụng các sản phẩm thủ công để trang trí mà còn ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn các giỏ đựng quà, giỏ đựng trái cây bằng mây thay cho giỏ nhựa; dép cói, dép bèo thay cho dép nhựa; bàn ghế có thể làm từ mây, bình hoa cũng có thể làm từ bèo. Nhiều trường học sử dụng sản phẩm đồ thủ công để giảng dạy hoặc trang trí lớp học.

Các vật dụng từ mây, tre, cói, bèo mang hồn quê mộc mạc vào những không gian hiện đại.

Từ khi biết đến các chất liệu này, chị Lê Thu Hảo cũng đã tô điểm không gian sống của gia đình mình bằng các vật dụng thân thiện với môi trường, từ bàn ghế, bát đĩa cho đến những đồ trang trí. Chị Hảo cho biết, việc đưa mây, tre, đan vào không gian sống gợi lại văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, đồng thời hướng đến cuộc sống xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Chị Lê Thị Tươi (sáng lập thương hiệu Mắt Híp Decor) là người con của quê hương Thái Bình, nơi trồng rất nhiều cói và bèo, nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ công việc gia công các sản phẩm thủ công. Kí ức về những ngày thêu thùa, đan lát, cùng tình yêu với các sản phẩm ấy đã thôi thúc chị bỏ hẳn công việc văn phòng để khởi nghiệp. Đến nay, xưởng của chị đã tạo việc làm cho hơn 100 người. Những sản phẩm mang câu chuyện về tay nghề truyền thống của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy,…

Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Tươi mong muốn gìn giữ những giá trị truyền thống, mộc mạc của các làng nghề tại Việt Nam.

Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 3.

Xưởng sản xuất đồ thủ công tại Thái Bình.

Dù công nghiệp thời trang nhanh có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, nhưng những sản phẩm được làm từ đôi bàn tay của con người vẫn giữ một vị thế nhất định, đặc biệt trong lòng các vị khách trân trọng giá trị truyền thống. Trải qua 6 năm nỗ lực theo đuổi nghề, chị Tươi càng làm càng yêu những “đứa con” mà mình và cộng đồng đổ nhiều mồ hôi, tâm huyết. Chị muốn sáng tạo ra nhiều mẫu mã hơn vì luôn đau đáu làm sao để những sản phẩm thủ công đến gần hơn với người trẻ. 

“Những sản phẩm làm bằng tay mang giá trị ở chính người đan, nên người mua mà hiểu thì rất trân quý. Máy móc chỉ chiếm 10%, dùng cho công đoạn may lót vải hoặc dệt mành thôi, chứ không thay thế được sự tỉ mỉ và hồn cốt của con người." - Chị Lê Thị Tươi giãi bày.

Chị Ngô Thị Phương Anh (TP. Hà Nội) bày tỏ: “Mình rất thích sử dụng những túi như thế này vì giá thành rẻ, chỉ khoảng 100.000 đồng, phù hợp với sinh viên. Khi túi này bị hỏng mình có thể dễ dàng xử lý, không gây tác hại đến môi trường.”

Xã hội càng hiện đại thì những giá trị truyền thống càng được trân trọng. Những sản phẩm "xanh" được sáng tạo từ các nguyên liệu thiên nhiên đang dần khẳng định vị thế trong lòng người tiêu dùng trên hành trình hướng tới lối sống bền vững.

Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 4.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 5.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 6.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm mang hơi thở mộc mạc của làng quê - Ảnh 7.

Phụ kiện thời trang thủ công đa dạng được ưa chuộng nhất vào các dịp hè và dịp Tết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước