Trồng rau thủy canh tại nhà để có thực phẩm sạch
Ngày nay, trước vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiều người lựa chọn tự "tăng gia sản xuất" để có được thực phẩm, rau quả sạch dùng hàng ngày. Bên cạnh việc trồng các loại rau củ bằng các thùng xốp thì trồng rau theo phương pháp thủy canh cũng được nhiều người lựa chọn. Thủy canh là phương pháp trồng rau sạch mà không cần dùng đất, phù hợp với người dân sống tại thành phố bởi không cần không gian quá rộng, có thể trồng được ngay trên tầng thượng nhiều ánh sáng, không cần đất cát, dễ chia luống và gọn gàng. Các gia đình có thể tự tay trồng, sử dụng dung dịch dinh dưỡng an toàn để có được thực phẩm sạch một cách chủ động.
Để trồng rau thủy canh cần sử dụng vật liệu dạng hộp như hộp xốp, khay nhựa có nắp đậy kín, nylon đen lót hộp, rọ nhựa có đường kính 5cm, giá thể (trấu hun) và dung dịch dinh dưỡng. Đặt thùng thủy canh trực tiếp lên trên nền xi măng, ban công, sân nhà… nơi có ánh sáng mặt trời.
Trồng rau thủy canh tại nhà giúp các hộ gia đình có được thực phẩm sạch
Anh Hoàng Phong (Minh Khai, Hà Nội cho biết): "Tôi đã đầu tư 3.800.000 đồng để làm vườn rau thủy canh dạng thảm thẳng. Tôi trồng rau thủy canh để dùng trong gia đình đã 4 tháng nay rồi. Thời gian đầu vì không có kinh nghiệm nên rau không lên được tốt, lá nhỏ, úa vàng phải bỏ đi hết. Sau đó, tôi phải mày mò tìm hiểu mới biết cần để rau ra chỗ nhiều ánh sáng, pha chế dung dịch dinh dưỡng đúng liều lượng, khi đó mới thu hoạch được rau".
Anh Phong cho biết, trong quá trình chăm sóc rau thủy canh cần thường xuyên kiểm tra hộp trồng rau để tránh rò rỉ dung dịch dinh dưỡng, bổ sung nước sạch đến khi thu hoạch đối với các loại rau thu hoạch một lần như rau cải ngọt. Nếu là những loại rau thu hoạch nhiều lần trên một cây như rau muống, rau thơm thì phải bổ sung lượng dinh dưỡng bằng 30% lượng dinh dưỡng ban đầu sau mỗi lần thu hoạch.
Cẩn trọng nguy cơ thừa nitrat trong rau thủy canh
Trồng và sử dụng rau thủy canh là rất tốt, bởi có thể đảm bảo được lượng thực phẩm sạch không nhiễm các chất độc hại, không cần dùng đến thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, nếu chăm sóc rau thủy canh không đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng thừa nitrat khi trồng.
Nhiều người trồng rau thủy canh cũng cho rằng, rau thủy canh khi thu hoạch thường nhạt và nhanh héo. Nguyên do là bởi rau thừa nước nên nhạt, nhanh héo là bởi thiếu các khoáng chất, vitamin khi dung dịch dinh dưỡng không đủ các chất để cung cấp cho cây. Tuy nhiên, không nên vì thế mà người dân ồ ạt sử dụng thêm các loại chất để làm rau ngon, dễ khiến rau bị thừa nitrat nếu làm không đúng cách.
Cẩn trọng khi trồng rau thủy canh để tránh rau bị thừa nitrat
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết: "Nitrat là muối vô cơ có sẵn trong mọi thực phẩm, cần thiết cho các chế độ ăn. Tuy nhiên, nếu vượt quá ngưỡng an toàn, nitrat trở thành chất độc, gây nguy hại đến sức khỏe người dùng. Trong quá trình tiêu hóa, nitrat có thể trở thành thành tác nhân gây ung thư dạ dày, gan, ruột. Do dư thừa nitrat, quá trình vận chuyển oxy trong máu bị ảnh hưởng bởi chất này cản trở sự kết hợp của hồng cầu với oxy. Đối với những người thừa nitrat có thể có những triệu chứng thiếu oxy mô, gây khó thở, đối với trẻ em có thể gây tử vong".
Tình trạng dẫn đến việc rau củ thủy canh thừa nitrat là do chế độ chăm sóc dinh dưỡng chưa hợp lý, các chất dinh dưỡng chăm bón pha sai công thức hoặc sử dụng sai cho loại cây.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chuyên gia trồng rau thủy canh cho biết: "Dung dịch dinh dưỡng dùng cho việc trồng thủy canh phải đảm bảo các chất dinh dưỡng cho cây. Nếu người trồng thủy canh không tuân thủ các công thức pha chế dung dịch bởi mỗi cây trồng cần có những công thức riêng thì dễ khiến cây bị thừa nitrat. Muốn rau không bị chứa nitrat, thủy ngân hay chì thì nguồn dung dịch dinh dưỡng phải chuẩn. Quan trọng hơn, người trồng cần chọn mua những dung dịch uy tín, có ghi rõ thành phần dung dịch để đảm bảo chất lượng và phù hợp với cây trồng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!