Khi biết chồng không thể qua khỏi, chị đã đồng tâm cùng gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu người.
Từ nghĩa cử cao đẹp này, ngành ghép tạng có thêm bước tiến mới, tạo nên kỳ tích cho y học Việt Nam, đó là ca ghép phổi đầu tiên thành công. Hơn thế, sự sống được nối dài khi cả phổi, tim, thận, giác mạc của người hiến tạng đã mang lại sự sống, đem lại ánh sáng cho 6 con người.
Tấm lòng của gia đình chị đã viết thêm một câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng cho toàn xã hội và lan tỏa thông điệp "Cho đi là còn mãi".
Lễ tôn vinh người hiến tạng và gia đình đã được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức để tri ân nghĩa cử cao đẹp giúp cứu sống những người mang trọng bệnh và đóng góp cho sự phát triển khoa học và cũng là thể hiện sự tôn vinh của hàng triệu trái tim dành cho những người thân của thiếu tá Lê Hải Ninh. Trong giờ phút đau buồn nhất, họ vẫn đồng lòng với quyết định thiện nguyện hiến tạng cứu nhiều người cùng lúc.
Quân nhân ấy 45 tuổi, do đột quỵ, phù não nặng đã bị chết não, không thể qua khỏi. Chết là ra đi, về với cát bụi nhưng sự ra đi ấy sẽ không là hư vô nếu từ cái chết đó, sự sống khác tiếp tục được hồi sinh.
Cho đi là còn mãi - tâm niệm đó cũng là động lực giúp vợ anh đứng vững trước mất mát không thể diễn tả thành lời. Trên hành trình sau này của 2 cậu con trai, chắc chắn sẽ mãi mang theo niềm tự hào về cha của mình.
Mặc dù cả gia đình chưa nguôi ngoai nỗi đau buồn nhưng nguồn an ủi, động viên họ lúc này chính là 6 người nhận gồm 1 người nhận phổi, 2 người nhận thận, 1 người nhận tim và 2 người nhận giác mạc, sức khỏe của 6 người nhận tạng đều tốt.
Thiếu tá Lê Hải Ninh đã ra đi nhưng tên tuổi anh và gia đình sẽ viết tiếp câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa cách sống, cách nghĩ và cách ra đi ý nghĩa, để lại món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm yêu thương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!