Tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra từ nhiều năm nay. Sau nhiều thời gian nỗ lực đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông và phân luồng, phân tuyến hợp lý hơn, hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn lặp lại, thậm chí với mức độ trầm trọng hơn. Hạ tầng đô thị và giao thông tại các thành phố lớn đang phải chịu sức ép quá tải từ việc gia tăng dân số, nhu cầu đi lại, số lượng phương tiện công cộng và phương tiện cá nhân.
Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể phát triển hợp lý các phương tiện vận tải ở các thành phố lớn tại Việt Nam với điểm nổi bật là việc hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân đi đôi với tăng cường phát triển phương tiện vận tải công cộng. Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân dường như không dễ dàng trong bối cảnh phương tiện vận tải công cộng tại các thành phố lớn chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thực tế, nhiều ý tưởng, đề án hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân như ô tô, xe máy nhằm góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra để bàn luận, thăm dò dư luận. Tuy nhiên, tất cả những ý tưởng, dự án này đều phải tạm gác lại do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Gần đây, báo chí và dư luận đang quan tâm đến Đề án hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân bằng phương án thu phí được thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đưa ra.
Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Đối thoại chính sách đã mời tới trường quay Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.