Tehran - Những điều ẩn giấu

Bài và ảnh: Hương Linh-Thứ sáu, ngày 19/04/2013 14:07 GMT+7

BTV Hương Linh (Ban Thời sự, Đài THVN) khi tới Iran công tác đã không bỏ qua cơ hội để tìm hiểu những điều ít biết đến về đất nước này.

Để đến Iran, xứ sở nghìn lẻ một đêm, một điểm dừng chân trên con đường tơ lụa cổ xưa nối châu Á với châu Âu không phải là một điều dễ dàng với du khách quốc tế do lệnh cấm vận nhiều mặt đang được áp đặt với đất nước này. Thế nhưng, đó vẫn là một nơi đáng để đi. Tại đây bạn sẽ được đón tiếp với những nụ cười và tình cảm thực sự chân thành, khám phá sự pha trộn tuyệt vời giữa nét cổ xưa và hiện đại.

Tehran, Iran - Những điều ẩn giấu

Sau gần 10 tiếng bay và một chặng quá cảnh qua Doha, Quatar, chúng tôi đến Tehran, khi thành phố 13 triệu dân này vừa bắt đầu một ngày mới. Những đoạn đường cao tốc 7, 8 làn xe, chật kín ô tô hầu hết là cũ kỹ với tuổi đời 30, thậm chí 40 năm nối đuôi nhau vào thành phố.

Ở đây, giá xăng rẻ như nước lọc. Có phải vì thế nên những cỗ máy uống xăng kiểu cổ vẫn được ra đường? Thực chất lại không phải vậy. Chẳng dễ dàng gì khi muốn mua một cái xe ra hồn để đi vì ở Tehran có sự đoạn tuyệt với các nước Phương Tây sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Và gần đây là lệnh cấm vận quốc tế vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, đã khiến những mặt hàng như vậy trở nên cực kỳ khan hiếm.

Lệnh cấm vận kinh tế, sự nghi kỵ với người nước ngoài khiến chúng tôi đã nghĩ đến một chuyến công tác nhiều thiếu thốn ở phía trước, nhưng những gì tiếp theo được chứng kiến lại khiến chúng tôi nghĩ rằng mình đã sai.

‘ Hàng hóa rất dồi dào, từ thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ tới những sản vật địa phương

Tehran là một thành phố được quy hoạch tốt và đầu tư bài bản với những hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt khá văn minh. Các tòa nhà cao tầng xen giữa những ngôi biệt thự nằm cheo leo trên các con đường đồi núi vòng vèo quanh thành phố.

Những mái vòm tròn của các nhà thờ Hồi giáo tạo nên vẻ cổ kính cho Tehran. Bao quanh các nhà thờ là những khu mua sắm đông đúc. Đến các khu chợ, bạn mới thấy ngạc nhiên về cuộc sống ở đây. Hàng hóa rất dồi dào từ thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, những sản vật địa phương hay những đồ xa xỉ sản xuất tại các nước Phương Tây (đồng hồ, mỹ phẩm, sản phẩm điện tử đời mới,...).

Chắc chúng đến đây bằng đường tiểu ngạch, y như ngày xưa khi những nhà buôn đưa hàng hóa theo con đường tơ lụa vào nước này. Thật khó mà nghĩ đây là một đất nước đang bị quốc tế kiềm tỏa chặt chẽ về kinh tế, nếu không nói chuyện với người dân về cơm áo gạo tiền.

‘ Tehran là một thành phố được quy hoạch tốt, và đầu tư bài bản, với những hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt khá văn minh

Người dân Iran đang phải chung sống với một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề do cấm vận, đồng nội tệ mất giá từng ngày. Sự biến động về tỷ giá hình thành nên hai hệ thống hối đoái - một của nhà nước, một của thị trường chợ đen. Mà nhà nước, với chính sách neo tỷ giá để giữ ổn định cho đồng nội tệ đã khiến chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chợ đen với thị trường chính thức lên tới 100%, có lúc cao điểm lên tới 300%. Nếu bạn có nhiều USD, hẳn là bạn rất được chào đón ở các khu chợ ở Tehran bởi những người làm nghề đổi ngoại tệ chợ đen. Rất tiếc là họ đã không cho tôi chụp ảnh.

An ninh thắt chặt

Chính vì cái tội ham mê chụp ảnh và quá nhiệt tình trong tác nghiệp đã khiến tôi phát hiện nhiều điều về bầu không khí an ninh căng thẳng ở Tehran. Khi chúng tôi đến đang là những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của phong trào Không liên kết mà Iran là nước chủ nhà. Con số chính thức là 100.000 cảnh sát được huy động. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục với con mắt đầy cảnh giác ở khắp mọi nơi.

Tôi và quay phim Nguyễn Hoàng đã có một trải nghiệm đáng nhớ với họ, khi các nhân viên này tạm giữ tôi từ tối đến suốt cả đêm vì tội chụp một kiểu ảnh ở khu chợ Tajrish. Cái ảnh khu chợ về đêm thì không có gì đáng nói, nhưng chết nỗi trong thẻ nhớ thì có một cái ảnh nhân viên an ninh đang nói chuyện với một khách du lịch và cảnh đường phố lúc đang kẹt xe.

Tôi đã bị vặn hỏi rất lâu vì sao lại chụp những bức ảnh mang ý tiêu cực về Iran như vậy. Và cũng đã rất khó để họ tin rằng, cái ảnh nhân viên an ninh chụp chỉ là vì tò mò, còn cảnh kẹt xe thì quá bình thường, tôi không cho là mang ý nghĩ tiêu cực vì khi ở Việt Nam kẹt xe còn khủng khiếp hơn nhiều, nhiều lần.

‘ Thật khó mà nghĩ đây là một đất nước đang bị quốc tế kiềm tỏa chặt chẽ về kinh tế

Và từ đó chúng tôi biết rằng tất cả các nhà báo quốc tế đến Tehran trong thời điểm đó đều bị theo dõi chặt chẽ. Từ cửa sổ khách sạn, có thể nhìn thấy các tay súng bắn tỉa, chốt chặn ở các tòa nhà đối diện. Họ đã dặn dò tôi không được quay phim ngoài địa điểm diễn ra hội nghị. Nhưng vì tiếc một cơ hội cho khán giả biết thêm về Tehran, tôi động viên quay phim Nguyễn Hoàng cứ vác máy ra đường.

Khi chúng tôi dừng lại quay ở một quầy báo gần khách sạn, ngay lập tức có một nhân viên an ninh mặc thường phục ở đâu xuất hiện yêu cầu ngừng quay ngay lập tức. Chúng tôi không gặp thêm rắc rối vì tôi giải thích với họ rằng, tôi chỉ muốn ghi lại mấy tờ báo đưa tin về hội nghị chứ không có vấn đề gì khác. Nhưng để có đủ chất liệu cho phóng sự “Một ngày ở Tehran” chúng tôi đã phải thuyết phục rất lâu thì anh Hải, một nhân viên sứ quán Việt Nam làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến những cửa hàng anh quen biết, nhằm tránh những rắc rối có thể có với nhân viên an ninh.

‘ Bức ảnh khiến BTV Hương Linh bị bắt và thẩm vấn đến 11h đêm mới được thả

Và những nụ cười

Người dân Tehran rất mến khách và thân thiện một cách chân thành. Tôi nhớ những cô gái hồi giáo, mắt đen huyền, xinh xắn trong các bộ quần áo choàng đen, đã nở nụ cười tươi rói giúp tôi quàng lại khăn trùm đầu cho những shot hình dẫn hiện trường để gửi về nhà. Tôi lúc nào cũng gặp vấn đề với cái khăn trùm đầu của họ vì nó cứ chực rơi ra. Mà theo luật lệ của Iran, phụ nữ, bất kể tôn giáo và sắc tộc hay quốc tịch, ra nơi công cộng phải trùm khăn che kín cả tai và tóc.

Ai đó nghĩ rằng những chiếc khăn quàng sẽ che bớt sắc đẹp chết người của các cô gái Iran thì họ đã nhầm. Luật hồi giáo không biết rằng, chính cái khăn choàng đầu lại khiến các cô gái Iran trông càng bí ẩn và quyến rũ hơn!

‘ Những chiếc khăn quàng không che bớt sắc đẹp mà lại khiến các cô gái trông bí ẩn và quyến rũ hơn

Tôi cũng nhớ những đồng nghiệp Iran mà tôi gặp trong hội nghị, lúc nào cũng quan tâm hỏi han xem các phóng viên có ăn được thức ăn của người hồi giáo không. Họ đặc biệt lo lắng khi đến giờ ăn mà chúng tôi chẳng ăn được gì vì đúng lúc ấy là giờ đi săn phỏng vấn hay phải vội vã viết bài để kịp gửi về nhà cho kịp các bản tin. Tôi cũng cảm kích ông lái xe khi biết chúng tôi là phóng viên Việt Nam đã giành thêm thời gian lái xe quanh thành phố mà không tính thêm phí để chúng tôi biết thêm về vẻ đẹp của Tehran.

Và còn nữa, một ông lão bán hàng già đã chạy theo chúng tôi để tặng cho một túi cam chỉ vì biết chúng tôi là người Việt Nam. Và ông ấy tỏ lòng khâm phục khi Việt Nam đã từng đánh thắng hai đế quốc mà nay đang hội nhập mạnh mẽ, có nền kinh tế phát triển, chứ không như Iran đang khó khăn (theo lời ông ấy). Mà chúng tôi có nói ra những điều đó đâu, họ tự biết đấy chứ! Tôi cũng cảm ơn rất nhiều Đại sứ và các nhân viên sứ quán Việt Nam ở Tehran. Nếu không sự giúp đỡ của họ, chắc chắn những ngày ở Tehran của chúng tôi khó khăn hơn rất nhiều!

Chuyến công tác dài một tuần ở Tehran mang lại cho chúng tôi nhiều cảm nhận nhưng đọng lại nhiều hơn là sự tiếc nuối. Tiếc vì không có thêm thời gian để khám phá cuộc sống ở Tehran, cuộc sống nhiều sôi động ẩn giấu đằng sau vẻ khắc nghiệt của sự cảnh giác trong thời chiến. Đến lúc này, Iran vẫn còn phải đối phó với khả năng có thể bị tấn công do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình! Nếu có cơ hội, bạn cứ đến Iran để có cảm nhận riêng cho mình!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước