COVID-19 không chỉ làm thay đổi thế giới và cuộc sống của tất cả chúng ta mà còn định hình lại ngành du lịch toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nghiên cứu của Booking.com thu thập được từ hơn 20.000 khách du lịch từ 28 quốc gia, bao gồm Việt Nam với phân tích chuyên sâu dựa trên dữ liệu tìm kiếm chỗ nghỉ và đánh giá của du khách và đưa ra 9 dự đoán về tương lai ngành du lịch - trong năm tới và cả những năm sau này.
1. WANDERLUST + MUST = WANDERMUST (khát khao du lịch trong mỗi chúng ta vẫn không hề suy giảm)
61% khách du lịch Việt Nam cho biết rằng họ sẽ cảm thấy không thoải mái khi đi du lịch cho đến khi có vaccine hoặc phương pháp điều trị virus corona, điều này cũng không ngăn lại những khát khao đó trong mỗi du khách Việt.
Thực tế, trong các đợt giãn cách xã hội gần đây, hai phần ba (65%) khách du lịch Việt Nam cho biết họ rất nóng lòng được du lịch trở lại, đồng thời 57% nói rằng họ quý trọng việc có thể đi du lịch hơn và sẽ không xem nhẹ cơ hội được làm điều đó trong tương lai.
Với điều này, chúng ta có thể mong đợi rằng, sang năm 2021 các công ty du lịch sẽ sáng tạo hơn trong việc thiết kế các hành trình và đề xuất mới nhằm nắm bắt kỳ vọng của những du khách đã phải bỏ lỡ các chuyến đi trong năm 2020 và muốn tìm kiếm một nơi nào đó tuyệt đẹp để khám phá và có một chuyến đi thật ý nghĩa.
2. GIÁ TRỊ QUAN TRỌNG (giá cả, tính minh bạch và sự linh hoạt về quy trình đặt chỗ là ưu tiên của du khách)
Trong 2021, du khách đòi hỏi các giá trị tương xứng hơn cho khoản tiền mà họ phải bỏ ra sẽ ngày càng rõ ràng với 76% du khách Việt Nam sẽ quan tâm đến giá cả hơn khi tìm kiếm và lên kế hoạch cho chuyến đi trong tương lai. Bên cạnh đó, 67% sẽ có xu hướng săn lùng các chương trình khuyến mãi và cơ hội tiết kiệm, những hành vi chúng tôi dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
Nhưng giá trị mà khách hàng mong đợi không chỉ dừng ở giá cả, với gần ba phần tư du khách Việt (71%) nêu rõ họ muốn các nền tảng đặt chỗ du lịch tăng cường tính minh bạch về chính sách hủy, quy trình hoàn tiền và các lựa chọn bảo hiểm cho chuyến đi. Hơn nữa, 27% du khách xem việc chỗ nghỉ cho phép hoàn tiền là điều hiển nhiên cho chuyến đi tiếp theo, đồng thời có gần một phần ba (35%) cho rằng đổi ngày không mất phí là cần thiết.
Dù 74% khách du lịch Việt Nam muốn hỗ trợ ngành du lịch phục hồi và 73% người muốn các đặt phòng trong tương lai của họ có thể giúp xây dựng lại cộng đồng trên khắp thế giới, khách hàng sẽ còn mong đợi nhiều hơn từ ngành du lịch. Do đó, ngành du lịch sẽ cần chung tay để đáp ứng nhu cầu của du khách một cách sáng tạo và mang lại nhiều giá trị hơn, lựa chọn tốt hơn, độ linh hoạt và tính minh bạch cao hơn cũng như trải nghiệm chu đáo hơn cho du khách trong tương lai, khi họ cân nhắc chi tiêu kỹ lưỡng hơn.
3. THÂN QUEN HƠN LÀ MỚI LẠ (Du lịch nội địa sẽ tiếp tục là lựa chọn phổ biến của du khách Việt)
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, du lịch địa phương đang được ưa chuộng hơn vì dễ thực hiện hơn, an toàn hơn và thường bền vững hơn. Trong tương lai, du lịch gần nhà và các trải nghiệm quen thuộc sẽ được ưu tiên hơn so với việc khám phá những điểm đến mới lạ. 57% du khách Việt vẫn có kế hoạch đi trong nước trong trung hạn (7-12 tháng tới), trong khi 48% du khách cũng có dự định tương tự trong dài hạn (trên một năm).
Khi nhắc đến du lịch địa phương, 46% du khách dự định khám phá một điểm đến mới ngay tại khu vực/quốc gia nơi họ sinh sống, 44% du khách sẽ dành thời gian để tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên của quê hương, trong khi đó có 54% du khách dự định ghé lại nơi mà họ đã từng đến, bất kể là trong nước hay nước ngoài vì trải nghiệm thân quen ở nơi đó.
Tuy nhiên, tình yêu cho những chuyến đi xa sẽ không bao giờ bị dập tắt. Tình yêu và sự mong đợi dành cho những chuyến đi xa không hề lép vế trước sự yêu thích dành cho du lịch gần nhà, khi xấp xỉ một phần tư du khách Việt (11%) có ý định ghé thăm nửa bên kia của thế giới vào cuối năm 2021, so với 7% khách có ý định này vào cuối năm 2020.
4. TÌM ĐỌC ĐỂ GIẢI TỎA (Nhu cầu tìm đọc nội dung du lịch sẽ dự đoán tăng cao hơn trong năm 2021)
97% khách du lịch dành thời gian tìm cảm hứng cho kỳ nghỉ, với sáu trên mười du khách (61%) xem xét các điểm đến du lịch tiềm năng với tần suất 1 lần một tuần như một cách để phân tâm và cảm thấy thoải mái hơn trong khoảng thời gian bị giãn cách.
49% khách Việt cũng đi tìm ý tưởng du lịch nhờ những cuộc trò chuyện cùng gia đình và bạn bè. Ngoài ra, một phần ba du khách (32%) cảm thấy hoài niệm khi xem lại ảnh cũ từ các kỳ nghỉ trước và việc này giúp họ đưa ra quyết định cho kỳ nghỉ trong tương lai. Có lẽ những bức ảnh truyền cảm hứng này sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trên mạng xã hội của chúng ta.
Trước bối cảnh nhiều hạn chế và diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta sẽ quan tâm hơn đến nơi, cách thức và thời điểm chia sẻ các trải nghiệm du lịch của mình. Lợi ích khi chia sẻ các câu chuyện sẽ thúc đẩy các xu hướng mới trong việc trao đổi và kết nối, nhất là khi du lịch trở lại an toàn như xưa.
5. DU LỊCH BỀN VỮNG (Khách du lịch bắt đầu tìm kiếm nhiều lựa chọn du lịch bền vững hơn)
Đại dịch đã và đang nâng cao nhận thức về tác động của con người lên môi trường và cộng đồng địa phương, chúng ta sẽ thấy mọi người có ý thức cao hơn về môi trường trong năm 2021 và những năm sau đó. Với hơn một nửa du khách Việt Nam (59%) muốn du lịch bền vững hơn trong tương lai và 81% du khách hy vọng rằng ngành du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn du lịch bền vững. 52% khách du lịch cân nhắc việc giảm lượng rác thải và/hoặc tái chế nhựa khi đi du lịch. Từ đó có thể thấy, mọi người không chỉ chú trọng bảo vệ bản thân mà còn biết quan tâm tới nơi mà họ đến.
Bên cạnh đó, du khách Việt sẽ chọn các điểm đến thay thế để tránh đi du lịch vào mùa cao điểm (54%) và các khu vực quá đông khách (42%).
73% người Việt cho biết họ muốn các lựa chọn du lịch của mình cũng hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của điểm đến để xây dựng lại cộng đồng, mở ra con đường phát triển ngành du lịch tiến bộ hơn cùng với 72% muốn biết tiền của họ đóng góp ngược lại cho cộng đồng địa phương ra sao.
6. NHẬN THỨC RÕ HƠN VỀ SỰ AN TOÀN VÀ SỨC KHỎE (Khách du lịch sẽ mong đợi những lựa chọn du lịch có biện pháp bảo vệ sức khỏe và vệ sinh an toàn phòng ngừa COVID-19)
75% du khách Việt Nam sẽ đề phòng nhiều hơn với virus corona và mong muốn ngành du lịch giúp họ thích nghi với thực tế mới. Đồng thời, 75% khách du lịch sẽ chỉ đặt một chỗ nghỉ cụ thể khi biết rõ các chính sách về sức khỏe và vệ sinh đang áp dụng, với bốn phần năm du khách (80%) ưu tiên các chỗ nghỉ có sản phẩm khử trùng và kháng khuẩn.
Trong ngắn hạn, chúng ta cũng sẽ thấy có sự thay đổi liên quan đến việc lựa chọn phương tiện đi lại, với một nửa du khách (50%) không chọn phương tiện công cộng vì sợ bị nhiễm virus corona. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi trong cách mọi người chọn phương tiện để đi tới điểm đến cũng như đi lại trong kỳ nghỉ về mặt lâu dài, khi nhiều người lựa chọn thuê xe hoặc tự lái xe riêng.
Trước trạng thái "bình thường mới" này, du khách cũng sẽ ưu tiên và tuân thủ các biện pháp tăng cường về an toàn và sức khỏe, với rất nhiều trong số đó đang dần trở thành thói quen mới. Hai phần ba du khách (77%) chấp nhận đi đến những nơi có chốt kiểm tra sức khỏe tại chỗ khi đến và 76% người tham gia chấp nhận đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các biện pháp cách ly kiểm dịch vẫn ít phổ biến hơn – chỉ 41% du khách chấp nhận cách ly để ghé thăm một điểm đến cụ thể.
7. NIỀM HẠNH PHÚC GIẢN DỊ (Du khách Việt đã sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm du lịch mới và giản dị hơn)
Khảo sát cho thấy rằng gần ba phần tư (73%) khách du lịch thích các trải nghiệm đơn giản hơn như dành thời gian ở ngoài trời hoặc đi nghỉ cùng gia đình. Hơn ba phần năm du khách (63%) tìm kiếm những trải nghiệm nông thôn, bình dị hơn để hòa mình vào cảnh quan ngoài trời.
Trước đòi hỏi cao hơn về sự riêng tư, không gian và khả năng kiểm soát đối với việc vệ sinh và dọn dẹp, không có gì ngạc nhiên khi thấy du khách muốn đặt chỗ nghỉ thoải mái như ở nhà – 54% nói rằng họ muốn lưu trú trong nhà nghỉ dưỡng hoặc căn hộ hơn là ở khách sạn. 65% sẽ lựa chọn ăn uống tại nhà hơn là ra ngoài nhà hàng. Trong bối cảnh "bình thường mới", các chuyến đi thư giãn sẽ nằm ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên, với 43% cho biết đây là loại hình chuyến đi ưa thích của họ, theo sau đó là kỳ nghỉ ở bãi biển (42%) và chuyến đi đến thành phố (24%).
8. VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ (Khách du lịch đang tận dụng công nghệ để lấy lại sự an tâm và giúp họ đi du lịch an toàn hơn)
71% khách Việt Nam đồng ý rằng các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro sức khỏe khi đi du lịch và 68% cho biết chỗ nghỉ sẽ phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất để giúp khách du lịch cảm thấy an toàn hơn. Gần 63% du khách muốn có nhiều máy tự phục vụ hơn thay vì quầy bán vé.
Những cải tiến sắp tới sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa, với trải nghiệm trực tuyến tiến bộ hơn sẽ tác động đến hành vi và các kế hoạch du lịch trong tương lai. Một nửa du khách (50%) cảm thấy yên tâm hơn khi tới một điểm đến không xác định nếu họ có thể trải nghiệm trước thông qua thực tế ảo (VR - Virtual Reality). Tuy nhiên, các trải nghiệm thật vẫn được ưu ái hơn – chỉ 48% mong đợi tham gia các sự kiện ảo/trực tuyến từ nhà cung cấp điểm tham quan, các tour và workshop tại địa phương.
Điều đó cho thấy rằng mặc dù chúng ta tin tưởng các giải pháp công nghệ có thể giúp chúng ta có trải nghiệm dễ dàng hơn, cá nhân hơn và an tâm hơn, chúng chỉ đóng vai trò hỗ trợ và không thể (hoặc chưa thể) thay thế cho việc chúng ta tự mình nhìn thấy, nếm thử và cảm nhận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!