10 năm triển khai Nghị quyết 29: Thay đổi toàn diện giáo dục đại học

PV-Thứ bảy, ngày 07/10/2023 06:37 GMT+7

VTV.vn - Ngày 6/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục đại học”.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 trong lĩnh vực giáo dục đại học cho thấy, sau 10 năm (từ 2013-2023), Nghị quyết 29 đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ đối với giáo dục đại học cả về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ.

10 năm triển khai Nghị quyết 29: Thay đổi toàn diện giáo dục đại học  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội thảo.

Việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân; góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững.

Cụ thể quy mô đào tạo đại học tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013-2022. Điều này đã góp phần tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục đại học từ 25,2% (năm 2013) lên 35,4% (năm 2021). Tính bình quân trong cả giai đoạn 10 năm (2013-2023) tỷ lệ sinh viên học đại học tăng 6,1%.

Cùng với đó, chương trình đào tạo giáo dục đai học đã được chú trọng, xây dựng theo hướng đa dạng, mềm dẻo giúp củng cố kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất cho sinh viên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra theo quy định của Khung trình độ Quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo. Nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học tăng mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học cũng được quy hoạch hoàn thiện, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Các cơ sở đào tạo cũng được đa dạng hoá, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo sau đại học còn rất thấp và không tăng trong nhiều năm, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tham luận tại hội thảo đã tập trung đánh giá những vấn đề lớn, những nội dung, kết quả đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết 29 qua từng năm, từng mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Các ý kiến tham luận đều nhận định, Nghị quyết 29 đánh dấu bước chuyển biến của Đảng trong việc xem đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là ưu tiên, quốc sách hàng đầu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã nêu bật được những khó khăn, điểm nghẽn trong cơ chế chính sách, những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và chỉ ra những nguyên nhân căn cốt của các điểm nghẽn. Từ đó, đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội kiến nghị cần rà soát các văn bản pháp luật, tạo sự đồng bộ, thống nhất về chủ trương cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Nghiên cứu ban hành một nghị định riêng về tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học để tạo đột phá về "khoán 10 trong tri thức" theo hướng các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp đặc biệt, coi đây là văn bản pháp luật, cởi trói và giải phóng sức sáng tạo, phát huy nguồn tri thức to lớn để phát triển đất nước.

Tham luận của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các trường đại học cần có biện pháp để nâng cao năng lực tài chính và khai thác hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, cải tiến giáo trình, nâng cao chất lượng giảng viên và sinh viên. Bên cạnh các nguồn lực trong nước, có thể kêu gọi, thu hút đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài tham gia vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,... để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhà nước cũng cần có trách nhiệm trong việc rà soát, quản lý và hỗ trợ các trường đại học cả công lập và tư thục trong cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động để tạo ra môi trường học tập lành mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực.

10 năm triển khai Nghị quyết 29: Thay đổi toàn diện giáo dục đại học  - Ảnh 4.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội thảo. Thứ trưởng cho rằng, những ý kiến này sẽ là căn cứ để tổng hợp báo cáo, kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, qua đó tiếp tục triển khai các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29 đối với giáo dục đại học.

Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 29 cho toàn ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình triển khai thực hiện, giáo dục đại học có những bước chuyển biến rất mạnh. Tuy nhiên, những nội dung về giáo dục đại học chưa nổi bật. Trong bối cảnh mới, cần những kiến nghị để giáo dục đại học có những bứt phá mới.

Vì vậy, cần thiết có những kết luận, nghị quyết mới về giáo dục đại học. Làm sao để giáo dục đại học thực sự đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước