Bí quyết ôn thi tốt môn Địa lý: Rèn luyện kỹ năng khai thác Atlat

Minh Đức-Thứ ba, ngày 23/05/2017 14:36 GMT+7

VTV.vn - Theo cô Tuyết Mai - giáo viên môn Địa lý của Chinh phục kỳ thi, các sỹ tử nên ôn tập có hệ thống, đầy đủ và tuyệt đối không bỏ qua các kỹ năng khai thác Atlat.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai là giáo viên lâu năm dạy bộ môn Địa lý của trường THPT Việt Đức – Hà Nội. Bằng tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, cô Mai luôn được các em học sinh trong trường yêu quý và kính trọng. Tham gia chương trình Chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với vai trò là giảng viên môn Địa lý, cô Tuyết Mai sẽ mang đến cho các sĩ tử khắp mọi miền tổ quốc những bài học ý nghĩa và hữu ích. Cùng lắng nghe cô Tuyến Mai chia sẻ nhiều hơn về những kinh nghiệm, bí kíp ôn tập môn Địa lý trước kỳ thi sắp tới.

Năm nay là năm đầu tiên cô tham gia Chinh phục kỳ thi, cô có suy nghĩ như thế nào khi tham gia một chương trình giảng dạy trên sóng truyền hình?

- Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình Chinh phục kỳ thi. Quả thực lúc đầu tôi không hình dung là công việc lại vất vả và nhiều áp lực đến như vậy. Cả ekip làm chương trình đều rất cố gắng và chuyên nghiệp, đồng thời cũng có những yêu cầu rất cao đối với giáo viên giảng dạy về nội dung kiến thức, phương pháp truyền đạt hiệu quả tới các em học sinh.

Tuy nhiên, đây là một công việc mà càng làm tôi càng cảm thấy say mê hơn, vì nó vô cùng thiết thực và ý nghĩa cho các em học sinh. Lượng kiến thức của tất cả các bộ môn được giảng dạy trong chương trình đều đã được tổng hợp, cơ bản và đầy đủ giúp cho các em ôn tập tốt, chinh phục tốt các đề thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Ngoài ra, qua các bài dạy, giáo viên ngoài truyền đạt kiến thức còn hướng dẫn học sinh cả kỹ năng làm bài. Khi tham gia chương trình, bản thân tôi cũng phát triển nhiều hơn.

Những kỷ niệm đáng nhớ của cô khi tham gia chương trình này?

- Từ lúc tham gia chương trình đến nay tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Có những hôm tôi và cố vấn chuyên môn của mình làm việc, sửa bài tại trường tới tận tối muộn, không kịp ăn tối. Thậm chí cố vấn chuyên môn của tôi bị ốm mất ba ngày mới trở lại làm việc. Mặc dù khá vất vả nhưng chúng tôi đều rất vui và hi họng bài giảng sẽ giúp ích nhiều cho các em học sinh.

Ngoài ra, các em học sinh của tôi tại trường cũng tỏ ra rất hứng thú và ngạc nhiên khi thấy tôi giảng dạy trên sóng truyền hình. Các em liên tục chia sẻ thông tin với bạn bè và xem trực tiếp các buổi cô giáo dạy, đồng thời xem lại trên website và Fanpage của chương trình, một số bạn bè, người thân và cả học sinh cũ đã ra trường còn nhắn tin đùa tôi là học giỏi Địa hơn vì xem các bài dạy (cười).

Cô có thể chia sẻ tới các bạn một số bí quyết, những lưu ý khi ôn luyện môn Địa lý trong thời gian này cũng như những lời khuyên khi các thí sinh bước vào kì thi?

- Các em sắp bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời, chắc chắn các em đã và đang dồn hết quyết tâm của mình để chinh phục vũ môn và đạt được những điểm số cao nhất. Mong các em hết sức lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản và vận dụng chúng một cách linh hoạt trên cơ sở tư duy Địa lý. Nên bám sát sách giáo khoa và các tài liệu ôn tập chính thống.

Thứ hai, không học lệch, học tủ và mắc bệnh chủ quan nghĩ rằng Địa lý là môn dễ, vào phòng thi sẽ tự làm được. Thành công không dành cho bước chân của những kẻ lười việc. Và nên nhớ, có ba thứ không bao giờ quay trở lại là tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua. Đề thi Địa lý năm nay sẽ bao quát toàn bộ các nội dung từ đầu tới cuối chương trình, từ đầu năm học tới cuối, bao gồm: Địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý các ngành kinh tế, địa lý các vùng kinh tế và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng biển và đảo, hải đảo, các vùng kinh tế trọng điểm. Và yêu cầu học sinh phải làm tốt cả 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Các câu hỏi sẽ đi từ dễ đến khó, đáp ứng sự phát triển năng lực của học sinh. Vì vậy, các em cần cố gắng ôn tập đầy đủ, chăm chỉ, có hệ thống.

Thứ ba, trong quá trình ôn tập, các em phải rèn luyện cho mình các kĩ năng địa lí như: khai thác Atlat, phân tích biểu đồ, nhận xét bảng số liệu trong Atlat… Năm nay có rất nhiều câu hỏi liên quan tới việc sử dụng Atlat để nêu sự phân bố các đối tượng Địa lý, ví dụ sự phân bố các mỏ khoáng sản, các trung tâm công nghiệp, sự phân bố các cây trồng, vật nuôi, nhà máy thủy điện, sự phân bố dân cư... hay các câu hỏi liên quan tới phân tích biểu đồ, sự chuyển dịch cơ cấu các ngành, các thành phần kinh tế. Vì vậy, trong quá trình ôn tập, các em phải có và sử dụng thường xuyên cuốn Atlat Địa lý Việt Nam giống như một người bạn thân thiết. Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy nhiều bạn tự trả lời câu hỏi theo cảm tính, không mở Atlat và thậm chí quên không mang Atlat đi học, kết quả là trả lời sai các câu hỏi trắc nghiệm. Và thật tệ nếu đi thi thật, các em quên không mang theo người bạn thân này, chắc chắn không ai có thể cho các em mượn Atlat giống như mượn một cái bút bi, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt và dẫn tới lúng túng, thiếu tự tin khi làm bài.

Thứ tư, phải phân bố thời gian hợp lí. Tránh hiện tượng lúc đầu chủ quan rồi bị thiếu thời gian của những câu hỏi về sau.

Thứ năm, đọc kỹ đề và phần dẫn của các câu hỏi rồi mới lựa chọn kỹ câu trả lời chính xác. Nhiều đáp án có phần đầu rất đúng với câu hỏi, nhưng vế sau thì sai nên học sinh đọc không kỹ sẽ chọn đáp án sai.

Năm nay, đề thi có nhiều thay đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra đề thi minh họa. Cô nhận xét thế nào về đề thi minh họa năm nay?

- Đề thi minh họa của Bộ giáo dục và Đào tạo năm nay có tính phân hóa rất cao. Theo tôi thấy, về nội dung kiến thức nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa Địa lý 12 và các em đã được học. Kiến thức bao quát nội dung chương trình, gồm đầy đủ các chương, bài, không thể học lệch, học tủ. Về kỹ năng, bao gồm nhiều kỹ năng như phân tích Atlat, bản đồ, biểu đồ, tính toán số liệu…

Sự thay đổi trong việc ra đề thi có khiến phương pháp giảng dạy, ôn thi thay đổi nhiều so với năm trước không?

- Tất nhiên là có rồi, rất nhiều thay đổi từ phía giáo viên: Khi dạy học, giáo viên phải điều chỉnh cách dạy, luyện học sinh phương pháp học, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm từ bài kiểm tra 15 phút, một tiết cho tới đề kiểm tra học kỳ.

Học sinh phải nắm kiến thức cơ bản và chăm chỉ, không học qua loa. Cần chăm chỉ làm nhiều đề thi trắc nghiệm, câu hỏi trắc nghiệm theo hướng tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng. Vì vậy, chỉ có chăm chỉ làm đề thì mới vỡ ra nhiều lỗ hổng kiến thức cần bổ sung.

Với việc ôn tập, nên thực hiện theo các chủ đề: Không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa từ kênh chữ đến kênh hình; ôn tập cho học sinh cách sử dụng Atlat, biểu đồ; nhận biết dạng biểu đồ; phân tích bảng thống kê, nhận xét...

Và cuối cùng, để đạt kết quả cao với bài thi môn Địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, các em nên chú ý đến các đồ dùng làm bài, chuẩn bị tâm lý tự tin, vững vàng. Đặc biệt, cần phân bố thời gian hợp lí, làm bài theo nguyên tắc dễ trước, khó sau. Tận dụng tối đa thời gian làm bài, không được bỏ trống phương án trả lời.

Lời khuyên gì với các em học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng trong tương lai?

- Rất nhiều học sinh lớp 12 đang còn bỡ ngỡ chưa biết xác định, hướng nghiệp cho bản thân nên theo học ngành gì hay nghề nào, sau này mình sẽ làm gì... Điều quan trọng là các em phải biết mình, yêu thích điều gì và thế mạnh, năng lực sở trường của mình là gì…

Chọn trường, chọn nghề đặc biệt quan trọng vì đó chính là sự lựa chọn tương lai của các em. Nếu chọn cho mình một nghề phù hợp, ngoài việc giúp cho mỗi cá nhân đảm bảo cuộc sống vật chất, mà còn giúp họ có được niềm vui, hạnh phúc và dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống.

Các em phải quyết định mình đang tìm kiếm một công việc để làm, hay một sự nghiệp, hay muốn theo đuổi nghề nghiệp thật sự đam mê. Nếu các em đang tìm một công việc để làm, mọi việc sẽ đơn giản hơn nhưng nếu các em theo đuổi một sự nghiệp theo đúng đam mê thì cần chuẩn bị nhiều thứ để trải qua những khó khăn phía trước. Hãy tự quyết định và đi trên con đường do chính các em lựa chọn, nếu các em cố gắng thì sẽ thấy rằng cuộc sống thật thú vị biết bao.

Chúc các em luôn mạnh mẽ, thành công và hạnh phúc!

Cảm ơn cô vì cuộc trò chuyện!

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước