Bộ GD&ĐT: Phải chỉnh lý lỗi sai trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8

T.K-Thứ hai, ngày 25/05/2020 14:43 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn thành “Lí Công Uẩn” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 là chưa đúng với quy định.

Liên quan đến việc sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành đã viết tên các vua đời Lý thành "Lí", ngày 25/5, PGS TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã ghi nhận những ý kiến của Báo Tin tức về sự vênh lệch chính tả trong quyết định và văn bản sách giáo khoa Ngữ văn 8 chương trình hiện hành.

"Tôi đã cho chuyên viên trong Vụ Giáo dục Trung học rà soát lại sách giáo khoa, cũng như các văn bản, quy định liên quan. Đồng thời, yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải trình về việc này", PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Bộ GD&ĐT: Phải chỉnh lý lỗi sai trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 - Ảnh 1.

Trang sách có ghi tên vua "Lí Công Uẩn".


Bộ GD&ĐT: Phải chỉnh lý lỗi sai trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 - Ảnh 2.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 (bên trái) và Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông ngày 25/5/2018.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết thêm: "Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Quyết định 1989 ngày 25/5/2018, do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký,ban hành quy định về chính tả thực hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó sử dụng trong sách giáo khoa mới, cũng như chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký.

Để ra được quyết định này, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, trao đổi của nhiều nhà chuyên môn, thống nhất tên riêng cũng như các quy định chính tả. Trong đó, yêu cầu tôn trọng tên riêng của các tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, trong chương I, điều 3 có viết "Thống nhất cách viết tên riêng trên cơ sở tôn trọng tên riêng của tổ chức, cá nhân". Vì thế, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn thành "Lí Công Uẩn" trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 là chưa vận dụng đúng tinh thần được nêu trong quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên chưa thể nói trường hợp này là cách dùng tùy tiện của người biên tập (có thể Nhà xuất bản vẫn căn cứ quy định cũ). Nhưng dù theo quy định mới hay cũ thì sách giáo khoa Ngữ văn 8 cũng không nên điều chỉnh cách viết tên riêng.

Trong giấy tờ hành chính ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng như trong sử sách, chỉ có họ "Lý" mà không có họ "Lí". Do đó, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viết Lý Công Uẩn thành "Lí Công Uẩn" trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 cần phải chỉnh lý theo hướng tôn trọng cách viết đã tồn tại lâu nay".

Nói về hướng giải quyết của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới, PGS TS Nguyễn Xuân Thành khẳng định: "Quy định về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp. Do đó, khi áp dụng quy định này, các nhà xuất bản, ban biên tập sách giáo khoa, chương trình dục phổ thông cần đối chiếu, xem xét vấn đề toàn diện, có những vấn đề về lịch sử phải hết sức thận trọng, chuẩn mực, thuyết phục".

Bộ GD&ĐT: Phải chỉnh lý lỗi sai trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 - Ảnh 3.

PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Khánh Nguyễn.

"Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có ý kiến phản hồi, đồng thời sẽ chỉ đạo Nhà xuất bản có hướng khắc phục phù hợp", ông Thành nhấn mạnh.

Trước đó, khi học đến bài Ngữ văn có liên quan đến vị vua Lý Công Uẩn, các em học sinh lớp 8 phát hiện tất cả chữ "Lý" trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành đều đã được chuyển sang chữ "Lí".

Trong khi đó, quy định viết tên riêng của vị vua thời Lý này là "Lý Công Uẩn" hay "Lý Thái Tổ".

Quy định viết chính tả, chữ hoa, tên riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 25/5/2018. Về cách viết với chữ "y" và "i", quy định nêu rất rõ tại khoản 2, Điều 9: Cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối.

Trường hợp âm i đứng ngay sau phụ âm đầu thì được viết bằng chữ i, ví dụ: hi vọng, kỉ niệm, lí luận, mĩ thuật, bác sĩ, tỉ lệ…

Trường hợp âm tiết chứa âm I là tên riêng thì viết theo đúng tên riêng đó, ví dụ: bảy Vy, Vi Văn Định, Nguyễn Vỹ, Thy Ngọc…Như vậy, cách viết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày khi phát hiện ra lỗi sai trên, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, cách viết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không theo quy định của Bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước