Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội (Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)
Sáng nay (31/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dành 7 phút để giải trình trước Quốc hội về hai nội dung chính là kỳ thi THPT quốc gia và bạo lực học đường.
Về kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới cách mạng toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhằm khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề là Đại học, Cao đẳng và tốt nghiệp THPT, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án với lộ trình đổi mới thi, hướng tới một kỳ thi chung để vừa lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa căn cứ để xét tuyển vào Đại học và Cao đẳng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành lộ trình.
Tuy nhiên, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã xảy ra gian lận tại một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên nhân của vụ việc như sau:
- Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót khi để xảy ra tình trạng phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, đặc biệt là ở khâu chấm thi; công tác thanh, kiểm tra chưa thực sự sâu sát trong nhiều khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương.
- Về phía địa phương, Ban Chỉ đạo thi cũng như Hội đồng thi cấp địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt là công tác chọn cán bộ tham gia cũng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, dẫn đến tình trạng chủ động, thông đồng, kết nối với nhau để gian lận trong thi cử.
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn thanh tra đến kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra xác minh và bước đầu đã có kết quả. Các em học sinh được nâng điểm đã được chấm lại và đưa về điểm thật. Những em không đủ điểm vào Đại học sau khi trả về điểm thật đã được trả lại về địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua hội nghị trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, Bộ Công an đã rất tích cực khởi tố những bị can của vụ án và vẫn đang tiếp tục để khởi tố các bị can, đối tượng liên quan khác. Do tính chất phức tạp của vụ việc, đến nay, Bộ Công an vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra. Các địa phương cũng đang tiếp tục quá trình xử lý trách nhiệm. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nghiêm khắc xử lý gian lận. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân có dấu hiệu vi phạm đã được cơ quan công an điều tra xác minh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã triển khai một số giải pháp: tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ; điều các cán bộ coi thi và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là công tác chấm thi được giao cho các trường Đại học đứng ra phụ trách; phần mềm được nâng cấp và mã hóa toàn bộ dữ liệu, đánh phách; lắp camera để giám sát chặt chẽ kỳ thi; bài thi tự luận được chấm theo 2 vòng, những bài thi đạt điểm cao được chấm lại lần hai.
Về vấn đề bạo lực học đường gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các văn bản quy phạm về vấn đề bạo lực học đường, chống bạo lực. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, hiện nay, cả nước có gần 1,5 triệu giáo viên, trong đó phần lớn là những người say mê với nghề nghiệp. Trong khi đó, chỉ có một bộ phận sa sút về đạo đức. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cương quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành những đối tượng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!