Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi riêng, đó là kỳ thi đánh giá năng lực.
Thay vì tổ chức một kỳ thi song song với kỳ thi tốt nghiệp THPT như dự kiến, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ tổ chức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu của khối kỹ thuật. Theo quy chế mới, kết quả bài kiểm tra tư duy cũng không được sử dụng độc lập để xét tuyển mà phải kết hợp với điểm của 2 môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bài thi gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu, thí sinh dự thi tại một trong 3 địa điểm Hà Nội, Thanh Hóa hoặc Sơn La. Thời gian tổ chức vào ngày 15/8.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục duy trì bài thi năng khiếu báo chí. Điểm mới năm nay là điểm bài thi năng khiếu sẽ được nhân đôi trong tổng điểm xét tuyển.
Cũng giống như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một số trường có ngành đào tạo về âm nhạc, hội họa… cũng vẫn duy trì bài thi năng khiếu làm điều kiện xét tuyển. Theo các đơn vị này, mục đích tổ chức các bài thi bổ sung là để sàng lọc được những thí sinh có năng lực, sở thích phù hợp với yêu cầu của ngành học. Kết quả từ bài thi tốt nghiệp trung học phố thông vẫn là căn cứ quan trọng nhất, với các mức điểm tối thiểu khác nhau tùy trường, tùy ngành.
Nhiều đơn vị đào tạo cho biết năm nay sẽ tăng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển qua các hình thức tuyển thẳng và xét học bạ. Một số trường còn có các đối tượng ưu tiên khá đặc biệt, ví dụ Đại học Kinh tế quốc dân xét tuyển thẳng các thí sinh đã từng tham dự kỳ thi Đường lên đỉnh Olyimpia do đài truyền hình Việt Nam tổ chức, với điều kiện đạt 18 điểm trở lên đối với 1 tổ hợp thi tốt nghiệp THPT.
Liên quan đến việc các trường tổ chức thi tuyển riêng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ tôn trọng quyền tự chủ của các trường nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường như hiện nay cũng như điều kiện dạy và học bị ảnh hưởng, các trường cần thận trọng khi đưa ra quyết định của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!