Sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên cả nước cũng đã bước vào năm học mới, mà phần lớn là học online. Với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em không có máy tính. Có nơi, các em vẫn còn chưa có điện. Trong chặng đường học tập vốn gập gềnh, dịch bệnh đã khiến việc học lúc này của các sinh viên nghèo càng gian nan hơn.
Sinh viên nghèo chật vật học online
Ngô Thị Hoan là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Giáo dục. Nhà có 3 chị em, trừ cô út còn học mẫu giáo, 2 con gái lớn, bố mẹ phải lo 2 cái điện thoại học online. Nhưng điện thoại chỉ nghe giảng thông thường, có những nội dung, không thể học được.
Bố Hoan bị ung thư, thi thoảng mới đi đánh cá, bắt ốc kiếm tiền. Mẹ Hoan xoay sở với 2 sào ruộng để lo cái ăn cho cả nhà. Khi có thông tin được vay tối đa 7 triệu để mua máy tính, Hoan đã nói chuyện với bố mẹ. Nhưng máy tính không những không mua được mà bố mẹ còn muốn Hoan bỏ học, đi làm công nhân luôn để phụ giúp gia đình.
Trên vùng núi cao của huyện Tuần Giáo, Điện Biên, có nhà của Thào A Dế. Bản Phàng Củ của anh vẫn chưa có điện. Trong khi đó, anh đang học 2 ngành khác nhau của Đại học Quốc gia Hà Nội. Chiếc điện thoại hoạt động được nhờ pin năng lượng mặt trời. Nhưng để làm các bài luận theo yêu cầu, anh phải đi cách nhà hơn 10 cây số, nơi có cửa hàng máy tính.
Thào A Dế, Ngô Thị Hoan, những sinh viên cuộc sống vốn bình thường đã khó khăn, giờ dịch bệnh lại làm cho việc học càng nhiều thử thách. Cả 2 đều đã nung nấu các kế hoạch đi làm thêm. Giờ chỉ mong dịch sớm hết, họ có thể đi làm thêm bởi như vậy mới có thể tiếp tục theo đuổi con đường học tập.
Nỗ lực tìm nhiều cách hỗ trợ sinh viên học tập trong mùa dịch
Trong lúc này, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đang được triển khai trên cả nước để có thể hỗ trợ thiết bị cho các học sinh, sinh viên khó khăn. Các nhà trường cũng đang nỗ lực huy động các nguồn lực để có thể hỗ trợ tối đa cho sinh viên khi học tập trong bối cảnh dịch bệnh này.
Thông đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa Hà Nội. Suốt đợt dịch vừa qua, Thông kẹt lại ở ký túc xá. Vào học online, lại là một ngành cần nhiều nghiên cứu, chỉ bằng chiếc điện thoại thì không học được, thật may, nhà trường đã tặng cho Thông một chiếc máy tính. Đây là những máy đã qua sử dụng mà nhà trường xin được.
Đại học Bách Khoa đã thành lập một thư viện máy tính. Những máy tính cũ xin được thì tặng sinh viên. Còn những máy tính mới thì cho các bạn mượn quay vòng. Nhà trường cũng hỗ trợ lương thực, tiền cho những bạn khó khăn. Trong lúc này, các đối tượng được đặc biệt ưu tiên là sinh viên mới nhập học và sinh viên năm cuối.
Còn tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, để hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nhà trường đã đưa vào nhiều nền tảng học tập trực tuyến. Các chương trình thực tập chuyển một phần sang hình thức online. Sự linh hoạt của các nhà trường sẽ giải quyết nhiều khó khăn cho sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!