Tại trường Tiểu học Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội), thời điểm này, các học sinh lớp 1 đang ôn tập chuẩn bị cho bài kiểm tra học kỳ 1. Môn tiếng Việt có 2 nội dung kiểm tra là đọc và viết. Các học sinh đang ôn tập lại những quy tắc viết chữ đúng và đẹp.
Với các giáo viên, yêu cầu ra đề kiểm tra học kỳ năm nay cũng khác. Đề ra sẽ không nặng về đánh giá kiến thức mà tập trung vào đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Nhiều giáo viên cảm thấy có chút lúng túng.
Những khó khăn của các giáo viên đều được tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường cùng thảo luận, tháo gỡ. Trên thực tế, từ đầu năm học này, các giáo viên đã theo dõi sát từng học sinh. Thông tin về những thay đổi của các em qua từng tuần đã được cập nhật, trao đổi giữa giáo viên, nhà trường và phụ huynh. Vì thế, việc đánh giá, kiểm tra học kỳ theo chương trình mới sẽ có nhiều điểm khác so với năm trước.
"Đánh giá học sinh không để so sánh học sinh A với học sinh B mà đánh giá ở đây là đánh giá sự phát triển của học sinh trong một quá trình. Ở đây rất nhân văn ở chỗ không so sánh" - Thầy Chu Văn Kiểm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Kỳ chia sẻ.
Không riêng ở lớp 1, việc kiểm tra đánh giá sẽ được triển khai ở các lớp khác ngay trong chương trình hiện hành. Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản đổi mới cách kiểm tra đánh giá từ lớp 1 cho đến lớp 12.
Về sự thay đổi trong những phương thức đánh giá học sinh cuối kỳ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Việc dạy học phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thì cách dạy thay đổi, tập trung vào cách tổ chức cho học sinh được hoạt động học để chiếm lĩnh kiến thức và vận dụng kiến thức. Vì vậy, khi kiểm tra, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ đều phải đáp ứng yêu cầu này. Khi đó, bài kiểm tra phải tập trung đánh giá học sinh đã sử dụng những kiến thức đã học được và kỹ năng trong quá trình thực hiện như thế nào để giải quyết yêu cầu của đầu bài. Đối với học sinh lớp 1,việc đánh giá cũng tương tự".
"Trong nhiều năm qua, cùng với xây dựng chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng dẫn thầy cô việc dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Khi kiểm tra đánh giá năng lực, điều quan trọng nhất là các thầy cô ra đề kiểm tra sao cho học sinh sử dụng những kiến thức, kỹ năng mình đã có để vận dụng thực hiện những yêu cầu trong bài kiểm tra mà không đơn thuần là tái hiện những kiến thức đã học" - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!