Cần hướng dẫn các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 22/08/2022 18:28 GMT+7

VTV.vn - Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” do Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức chiều

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận: Thời gian qua, nhiều văn bản chỉ đạo đã được Bộ GD&ĐT ban hành, từ đó các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả. Đã tiến hành đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn, gắn với các tấm gương người thực việc thực; đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.

Cần hướng dẫn các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế.

Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị và toàn ngành giáo dục tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo xây dựng văn hoá học đường. Tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt. Thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác triển khai xây dựng văn hoá học đường để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cần hướng dẫn các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.

Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thực tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.

Huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động,…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục. Có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội; phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hoá học đường.

Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thực tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học.

Bộ GD&ĐT cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của các đoàn thể, Hội Khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chỉ thị 08.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công ngay từ đầu năm học 2022 - 2023.

Xây dựng văn hoá học đường phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường".

Cần hướng dẫn các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trên không gian mạng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài.

Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GD&ĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước