Hội thảo Giáo dục 2021 với chủ đề văn hóa học đường sẽ diễn ra ngày 21/11

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 18/11/2021 14:24 GMT+7

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại buổi gặp

VTV.vn - Hội thảo Giáo dục 2021 ngày 21/11 sẽ bàn về những thách thức và kiến nghị chính sách, giải pháp xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam.

Dự kiến vào ngày 21/11 sẽ diễn ra Hội thảo Giáo dục 2021 (VEC 2021) với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo duc và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho biết, Hội thảo Giáo dục - VEC là sự kiện hội thảo thường niên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp cùng với cơ chế, chính sách để việc tổ chức thực hiện hiệu quả.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, giáo dục nước ta đã có một năm học với nhiều khó khăn thách thức chưa từng có. Để bảo đảm giáo dục tiếp tục phát triển, không bị đứt gãy, học sinh tiếp tục được học hành trong điều kiện dịch bệnh vô cùng phức tạp như vừa qua là nỗ lực của hàng triệu thầy cô (trong đó có thầy cô cao tuổi, không rành công nghệ nhưng đã cố gắng thay đổi phương thức giảng dạy bằng hình thức trực tuyến); nỗ lực của học sinh trong điều kiện tiếp cận công nghệ, tiếp cận bài giảng theo phương thức trực tuyến; nỗ lực của toàn xã hội để quyết tâm không để đứt gãy về tri thức. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, nếu có sự đứt gãy, mất căn bản về kiến thức, lấy lại sẽ rất khó, do vậy chúng ta quyết tâm không thể để một thế hệ đứt gãy, hụt hơi về kiến thức. Điều đó thể hiện nét văn hóa can trường của dân tộc Việt Nam, càng khó khăn càng nỗ lực, sáng tạo, vươn lên khẳng định giá trị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho biết, Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 cũng là một hoạt động hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào ngày 24/11 tới đây, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại và hình thành thế hệ những con người Việt Nam trí tuệ, bản lĩnh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy thách thức hiện nay.

Công bố một số thông tin cụ thể về hội thảo, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.

Hội thảo Giáo dục 2021 với chủ đề văn hóa học đường sẽ diễn ra ngày 21/11 - Ảnh 1.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục công bố thông tin về Hội thảo

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, một trong các khâu đột phá được xác định là: "Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam". Vì thế, việc xây dựng văn hóa học đường trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong 10 năm tới.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, Hội thảo Giáo dục 2021 sẽ gồm phiên chung, trình bày về thực trạng văn hóa học đường từ góc nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước; ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế về văn hóa học đường, những thách thức và kiến nghị chính sách, giải pháp xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam. Tiếp đó, sẽ có phiên chuyên đề thảo luận về ba nhóm vấn đề: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường và văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.

Do tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, năm nay Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo đó, tại điểm cầu Nhà Quốc hội sẽ có sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, kết nối trực tuyến với khoảng hơn 300 đại biểu. Dự kiến lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước