Phân luồng học sinh THCS, THPT một cách hợp lý đang là mục tiêu và cũng là chiến lược quan trọng của ngành giáo dục, quyết định sự phát triển nhân lực của quốc gia. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp tại các trường học, dù đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đủ để học sinh nhìn nhận được bức tranh về thị trường lao động hiện nay. Do đó, vẫn cần hơn nữa sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ngành lao động trong vấn đề này.
Nhận một căn phòng trống, từ đó lên ý tưởng thiết kế, đo đạc, tính toán để lên kinh phí đầu tư. Đây là dự án "Vua đấu thầu" dành cho các bạn học sinh khối 8 của một trường phổ thông ở Hà Nội.
Dự án liên môn được triển khai khi các em học về những công thức tính diện tích đa giác trong môn Toán. Là phụ huynh và cũng là một kiến trúc sư, anh Cương khá bất ngờ khi theo dõi các con đảm nhận các công việc về đấu thầu.
Không chỉ kết nối kiến thức với ngành nghề thực tiễn, trong tuần qua, gần 10.000 học sinh khối THCS, THPT tại Hà Nội cũng được tham gia chuỗi hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô - nơi các em được trực tiếp tìm hiểu về đa dạng các ngành học, công việc thực tế.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, việc tăng cường hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh đóng vai trò quyết định trong việc phân luồng giáo dục, giúp các em tìm được năng lực và phát huy trong quá trình làm việc sau này.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động hướng nghiệp đã trở thành nội dung bắt buộc giảng dạy từ cấp THCS. Dù vậy, theo các chuyên gia, để định hướng học sinh đến với nghề nghiệp đúng năng lực, không thể chỉ dựa vào các hoạt động trải nghiệm trong trường học mà cần tăng cường hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp ngoài thực tế cho học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!