Trong những năm gần đây, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc học bộ môn lịch sử trong chương trình giảng dạy phổ thông. Từ lâu, bộ môn lịch sử đã bị xem nhẹ và ít được chú trọng, trong kì thi THPT 2015 chỉ có 15,3% thí sinh lựa chọn môn sử, thậm chí nhiều trường không có một học sinh nào lựa chọn thi sử. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có phải môn lịch sử không được học sinh yêu thích?
Tại Tọa đàm Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử diễn ra vào ngày 11/1 vừa qua, những em học sinh đến từ 62 tỉnh thành trên khắp cả nước tham gia cuộc thi Tự hào Việt Nam đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề học sinh có yêu thích môn lịch sử hay không. Nhiều ý kiến của các em cho rằng hiện đang có tình trạng học sinh không yêu lịch sử, lí do là bởi phương pháp dạy còn nhàm chán, môn lịch sử không có trong những môn trọng tâm thi đại học top đầu, sách giáo khoa biên soạn còn khô cứng và mang tính lí luận cao, cần có cách biên soạn sách mang định tính nhiều hơn định lượng,…
Các em học sinh đến từ 62 tỉnh thành cùng đưa ra những ý kiến riêng về việc tại sao môn lịch sử không được yêu thích
Trước những ý kiến đưa ra của các em học sinh, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - GS. Vũ Minh Giang nhận định: “Việc lấy lí do vì không có nhiều chuyên ngành có môn lịch sử để không coi trọng môn học này là một sai lầm vô cùng lớn. Những bộ môn thi đại học là để dạy kĩ năng vào đời chứ không phải dạy nghề. Học lịch sử để biết mình sinh ra trong một đất nước có truyền thống như thế nào để khi ra thế giới có những khác biệt gì".
GS. Vũ Minh Giang cũng cho biết: "Những cuộc thi đại học sắp tới rồi sẽ không còn định khối A, B, C nữa mà sẽ thi tổng hợp tất cả các môn, để xem năng lực tư duy logic, tổng hợp kiến thức của các em như thế nào. Vậy nên cần phải đổi lại cách nhìn nhận môn lịch sử, phải đối xử như một môn khoa học. Khi xem lịch sử là một môn khoa học để nghiên cứu và vận dụng sẽ nắm bắt được quy luật vận động của xã hội. Lịch sử dạy con người tư duy hệ thống, thực tế là có những bài học lịch sử đắt giá vẫn đang được vận dụng vào ngày nay. Học lịch sử để trưởng thành, để hiểu dân tộc mình mới là cách làm tiên tiến". GS Vũ Minh Giang cũng khẳng định sắp tới đây, giáo dục Việt Nam sẽ chuyển từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung, lấy kiến thức cụ thể để dạy sang một nền giáo dục dạy kĩ năng, tri thức tối thiểu, dạy điều căn bản.
GS. Vũ Minh Giang (ngoài cùng, bên trái) cho rằng cần phải thay đổi cách nhìn nhận môn lịch sử
Để học sinh yêu và có hứng thú hơn với môn lịch sử có rất nhiều cách như giáo viên thay đổi cách giảng dạy, sử dụng nhiều tranh ảnh tài liệu, tổ chức tham quan tại các địa điểm lịch sử địa phương, nuôi dưỡng lòng yêu thích lịch sử trong mỗi học sinh... điều quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi nhận thức của mọi người đối với việc học sử.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!