Trường Đại học Ngoại thương công bố phương án tuyển sinh 2023, với 6 phương thức xét tuyển dự kiến:
Phương thức 1: Trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia, đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đoạt giải (nhất, nhì, ba) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 11 hoặc 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia, THPT chuyên. Thời gian tuyển sinh dự kiến của phương thức này là từ ngày 22 đến 31/5/2023. Kết quả tuyển sinh sẽ công bố trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức 2: Trường xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập, chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương trình chất lượng cao Ngôn ngữ thương mại. Phương thức này cũng tuyển sinh từ ngày 22 đến 31/5/2023. Kết quả tuyển sinh sẽ công bố trước khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức 3: Trường xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Thời gian tuyển sinh dự kiến là vào cuối tháng 7, ngay sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức 4: Trường xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo các tổ hợp môn, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế. Nhà trường sẽ tuyển sinh dự kiến vào tháng 8 (theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT).
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, áp dụng cho 5 chương trình tiêu chuẩn. Phương thức này dự kiến chia thành 2 đợt tuyển sinh. Đợt 1 từ ngày 22 đến 31/5; đợt 2 vào tháng 7.
Phương thức 6: Xét tuyển thẳng (được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT).
Tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh chính quy năm 2023 của Trường Ngoại thương là 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy, với 6 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 65%); xét học bạ THPT (chỉ tiêu dự kiến 15%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 5%); xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023 (chỉ tiêu dự kiến 10%).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Năm 2023, Đại học Quốc tế Sài Gòn dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển học bạ lớp 12; xét tuyển học bạ bằng kết quả 5 học kỳ (2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12); xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh khoảng 6.000 chỉ tiêu trình độ đại học cho 39 ngành chương trình tiêu chuẩn, 19 ngành chương trình chất lượng cao, 12 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh, 7 ngành chương trình học tại phân hiệu Khánh Hòa và 11 ngành chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Các phương thức tuyển sinh nhà trường sử dụng là xét kết quả quá trình học tập bậc THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường; xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng theo quy định tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Y tế công cộng tuyển sinh dự kiến 805 chỉ tiêu, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2022. Trường này tuyển sinh 7 ngành, trong đó Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển nhiều nhất, 215 chỉ tiêu, Y tế công cộng 190 chỉ tiêu và Kỹ thuật phục hồi chức năng 130 chỉ tiêu.
Trường giữ 4 phương thức tuyển sinh như năm 2022 gồm: Xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phương thức dùng điểm đánh giá năng lực chỉ dùng để tuyển ngành Khoa học dữ liệu, ba phương thức còn lại áp dụng với tất cả 7 ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!