Chấm thi THPT quốc gia: Nhiều trường chọn phương án cuốn chiếu

Theo ĐT Chính phủ-Thứ sáu, ngày 03/07/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Với yêu cầu phải có kết quả chấm thi trước ngày 20/7, nhiều trường ĐH đã lựa chọn phương án ngay sau mỗi môn thi xong sẽ tiến hành rọc phách số bài thi của môn thi đó.

Bắt đầu làm phách, gom bài thi

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Thái Nguyên Đặng Kim Vui cho biết, do khối lượng bài thi cần chấm năm nay lớn hơn các kỳ thi ĐH, CĐ năm trước nên trường đã huy động toàn bộ lực lượng giáo viên giỏi, giáo viên trường chuyên trong tỉnh tham gia chấm thi. Đồng thời, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị 5 địa phương tham gia cụm thi liên tỉnh tại Thái Nguyên cử giáo viên tham gia chấm thi.

Các trường được yêu cầu không bố trí công tác, lịch học, nhiệm vụ khác cho giáo viên đã được phân công đi chấm thi để đảm bảo nhân lực cũng như chất lượng chấm thi.

Nhiều trường ĐH khác đã lựa chọn phương án ngay sau mỗi môn thi xong sẽ tiến hành rọc phách số bài thi của môn thi đó để đẩy nhanh tiến độ chấm thi.

Một số trường vẫn tổ chức gom bài thi, dồn túi thi nhưng sẽ chấm đồng loạt sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết trường sẽ bắt đầu làm phách ngay từ ngày 2/7 để có thể chính thức chấm thi từ ngày 5/7.

Tại TPHCM, sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên (1/7), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, đã tiến hành chạy phần mềm làm phách của Bộ GD-ĐT và làm phách bài thi các môn đã thi xong.

Không phải chạy khắp nơi tìm người chấm thi

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, quy chế kỳ thi đã quy định giảng viên ĐH phối hợp với giáo viên các trường THPT chấm thi theo tỷ lệ 50:50. Hiện công tác phối hợp giữa các bên rất tốt, không còn tình trạng các trường ĐH phải chạy khắp nơi để tìm kiếm người chấm thi. Cả cụm thi địa phương và cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ có cùng barem, đảm bảo tính khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh.

Với sự phối hợp chặt chẽ như vậy, công tác chấm thi sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch dự kiến vào ngày 20/7 hoặc có thể sớm hơn để thí sinh có kết quả tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.

“Với quy chế chấm thẩm định, phúc tra dù chỉ chênh 0,25 điểm giáo viên chấm thi sẽ vất vả hơn. Đặc biệt môn Văn do có tính tự luận, đề mở nên đáp án sẽ linh hoạt, phong phú đòi hỏi thời gian chấm lâu hơn các môn thi khác.Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra trong lần chấm môn thi đầu tiên do các thầy cô chấm thi chưa thống nhất về cách đánh giá, ba rem điểm. Chỉ cần vài lần hội ý là việc chấm thi sẽ đồng bộ, thống nhất và nhanh chóng”, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên Đặng Kim Vui chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị kỳ thi chu đáo đã đảm bảo bước đầu cho một kỳ thi an toàn nghiêm túc và đúng quy chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, vấn đề nóng nhất, phức tạp nhất của kỳ thi THPT Quốc gia không phải là quá trình thi, mà là công tác chấm thi và xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ. Do đó, vai trò của việc đảm bảo chấm thi công bằng, chính xác vô cùng quan trọng, sẽ góp phần quan trọng để tạo niềm tin cho người dân về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước