Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến kỳ thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng năm 2016, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình ôn thi của các sĩ tử, làm thế nào để ôn thi hiệu quả trong giai đoạn nước rút này? PV VTV News có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên dạy môn Vật Lý trực tuyến nổi tiếng tại Hà Nội. Thầy cũng là người đang tham gia chương trình Chinh phục kỳ thi phát sóng hàng tuần trên kênh VTV7. Qua những chia sẻ của mình, thầy Thành Nam mong muốn có thể giúp ích nhiều hơn cho các sĩ tử trong vệc ôn thi môn Vật lý chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Xin thầy cho biết việc ôn thi trong giai đoạn này có điểm gì khác biệt ?
Tới thời điểm này, đa số học sinh đã học xong một lần toàn bộ chương trình thi, chuyển qua giai đoạn ôn tập lại kiến thức. Mục tiêu ôn tập là làm "tươi" lại kiến thức một cách đầy đủ nhất, sẵn sàng cho kỳ thi, do đó cách ôn tập phải hoàn toàn khác với cách học hệ thống từ đầu đến cuối như trong giai đoạn trước.
Vậy theo thầy trong giai đoạn này, nên ôn tập như thế nào để có hiệu quả cao nhất?
Các bạn nên áp dụng hai chiến thuật khác nhau cho hai việc ôn lý thuyết và luyện bài tập. Việc nắm vững kiến thức lý thuyết là rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết chiếm tỉ lệ khá cao trong đề thi, lại là những câu dễ làm nhất và có thể làm nhanh. Kiến thức lý thuyết dễ hiểu, dễ học và có thể học nhanh do không tốn nhiều thời gian nên các bạn hoàn toàn có thể ôn tập theo trình tự.
Vấn đề của lý thuyết là dễ bị quên và hình thành những lỗ hổng kiến thức tạm thời mà chúng ta không nhận ra, vì vậy nên ôn tập lý thuyết theo cách càn quét từng mảng lớn để đảm bảo không bỏ sót kiến thức. Các bạn nên có một bộ câu hỏi lý thuyết chuẩn về cấu trúc, đầy đủ về nội dung để bám theo đó mà ôn luyện. Bộ lý thuyết đầy đủ không chỉ giúp các em củng cố lại kiến thức, mà còn giúp phát hiện ra các lỗ hổng kiến thức để kịp thời bù đắp. Trên cổng giáo dục moon.vn hiện đang có một bộ câu hỏi lý thuyết hoàn toàn miễn phí, các em có thể đăng ký ngay để sử dụng.
Viện ôn luyện bài tập thì khác, vì đặc điểm của bài tập là không thể làm nhanh nên nếu ôn tập theo trình tự thì đến sát kỳ thi, những kiến thức ôn tập lúc đầu lại đã bị mai một. Do đó, các bạn nên luyện bài tập theo kiểu ngẫu nhiên – lân cận, tức là chọn ngẫu nhiên một bài tập trong chương trình để làm lại, sau đó học lấn dần ra các bài tập có dạng thức tương tự. Để học theo cách này, các em nên tìm một bộ đề thi chuẩn, đầy đủ các dạng bài tập và tiến hành luyện đề. Vì bài tập xuất hiện trong đề thi là ngẫu nhiên, nên luyện đề thi thử là phương pháp luyện bài tập tốt nhất trong giai đoạn này.
Thầy Nguyễn Thành Nam là giảng viên Vật lý nổi tiếng, hiện đang tham gia chương trình Chinh phục kỳ thi trên kênh VTV7, thầy đã nhiều lần chia sẻ kiến thức và bí quyết ôn thi cho các bạn học sinh
Có nhiều bạn bắt đầu việc ôn thi muộn nên vẫn còn quá nhiều nội dung chưa học, vậy theo thầy các bạn ấy nên học như thế nào trong giai đoạn này?
Đối với các bạn học chậm, vì còn lại rất ít thời gian nên các bạn không thể học tuần tự toàn bộ chương trình, và cũng không có đủ thời gian để ôn tập lại kiến thức một lần nữa, do đó để ôn thi hiệu quả thì cần phải có chiến thuật phù hợp. Chiến thuật này phải được xây dựng trên cơ sở hiểu rõ đặc điểm cấu trúc chương trình thi THPT Quốc Gia, đặc điểm đó theo quan điểm của tôi như sau :
− Đề thi có 50 câu, mỗi câu 0,2 điểm, với đáp án đúng chia khá đều cho 4 lựa chọn A, B, C, và D. Nói cách khác, xác suất để chọn ngẫu nhiên đúng một câu hỏi bất kỳ là 1/4. Điều này có nghĩa là, ngay cả với người không có kiến thức, chỉ bằng đoán mò cũng có thể đạt điểm số trung bình là 0,2×50×1/4 = 2,5 điểm. Điều này đúng cho các môn thi trắcn ghiệm như Vật lý, Hóa học, và Sinh học. Nếu thí sinh có năng lực làm được N câu hỏi (biết cách làm, làm đúng, và làm kịp thời gian) thì khi đó thí sinh sẽ đoán mò (50 - N) câu còn lại, như vậy điểm trung bình thí sinh có thể đạt được là Đ = 0,2×N + 0,2×(50-N)×1/4 = 0,15×N + 2,5. Từ đó suy ra, để đạt được điểm số Đ, thí sinh cần có đủ năng lực để làm được N = (Đ-2,5)/0,15 câu hỏi trong đề thi. Từ công thức này, chúng ta được bảng kết quả sau :
Đ |
6 |
7 |
8 |
8,5 |
9 |
9,5 |
10 |
N |
23 |
30 |
37 |
40 |
43 |
47 |
50 |
Bảng tính trên cho thấy, để đạt được điểm 7 thí sinh chỉ cần có khả năng làm được 30 câu trong đề thi, và để đạt điểm 8,5, thí sinh cần có năng lực làm được 40 câu.
− Theo cấu trúc đề thi hiện hành, trong 50 câu hỏi có khoảng 20 câu rất dễ, 10 câu dễ, 10 câu trung bình, và 10 câu khó (trong đó có khoảng 5 câu rất khó). Điều đó có nghĩa là, để đạt được 7,0 điểm, thí sinh chỉ cần học để làm được 30 câu rất dễ và dễ, và để đạt 8,5 điểm thí sinh cần học để làm được thêm 10 câu trung bình mà không cần ôn tập những câu quá khó trong đề thi. Vấn đề là không được để sót, để hổng kiến thức căn bản trong chương trình.
Nếu xét trên tất cả các môn, cả môn thi trắc nghiệm và môn thi tự luận, thì do đây là kỳ thi hỗn hợp, vừa để đánh giá tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh đầu vào đại học, nên sự phụ thuộc điểm số theo năng lực (kiến thức - kỹ năng) của học sinh có thể được mô tả như hình vẽ. Đoạn đầu đồ thị, điểm số tăng rất nhanh theo trình độ thí sinh, nhưng từ điểm 8 trở lên, độ dốc giảm nhanh, và đồ thị gần như nằm ngang với trục năng lực. Điều đó có nghĩa là với những điểm dưới 8, thí sinh có thể nâng điểm rất nhanh mà không cần phải học quá nhiều, chỉ cần học những kiến thức dễ, căn bản.
Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra chiến thuật ôn thi cấp tốc cho những bạn học muộn chương trình như sau :
– Đối với các môn thi, cần ưu tiên học môn yếu nhiều hơn, vì những môn yếu nhất là những môn dễ tăng điểm nhất, vì đoạn đầu của đồ thị dốc hơn đoạn sau.
– Trong mỗi môn học, cần ưu tiên học phần dễ, phần căn bản trước, phần khó học sau. Như vậy các em cần một bảng phân chia nội dung kiến thức khá chi tiết cho từng môn học để biết phần nào dễ, phần nào khó mà ôn tập theo trình tự từ dễ đến khó cho thật hiệu quả. Tuyệt đối không nên sa đà vào những dạng toán lạ, khó, phức tạp.
– Trong quá trình luyện thi, các em phải thường xuyên ôn lại phần đã học trước đó, không được để bị quên bất cứ nội dung gì. Các em nên vừa học vừa luyện đề thi thử, tập trung vào những nội dung đã học, vì các em học muộn nên nếu chờ đến khi học xong mới luyện đề thì không còn kịp nữa.
Theo kinh nghiệm của thầy, với đề thi như mấy năm vừa qua, một học sinh có học lực trung bình khá ôn tập chăm chỉ và đúng chiến thuật trong vòng 3 tháng thì hoàn toàn có thể đạt được điểm khá. Mong rằng các em sẽ tìm ra cho mình một chiến thuật ôn thi hiệu quả nhất.
Xin chân thành cảm ơn thầy Nguyễn Thành Nam!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.