Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nghiêm túc trong việc đánh giá lại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua. Đây là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Chính phủ về một số hạn chế, thiếu sót trong kỳ thi vừa qua, đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vụ việc xảy ra ở Hà Giang và Sơn La vừa qua là những sai phạm rất nghiêm trọng nên các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết không nên vì sai phạm đó mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến bởi tổ chức một kỳ thi chung là thực hiện theo 2 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trước các sai phạm Bộ xin nhận trách nhiệm, đồng thời đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế thiếu sót trong kỳ thi vừa qua như đề thi chưa thật phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. Bên cạnh đó, phầm mềm chấm chắc nghiệm còn có những kẻ hở trong bảo mật. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra, giám sát của Bộ đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở và chưa sâu sát.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi, đi cùng với hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường bảo mật và ngăn ngừa nguy cơ gian lận. Bộ cũng sẽ xem xét chấm thi tập trung theo cụm và quy định rõ trách nhiệm của các địa phương và các trường đại học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc bỏ thi THPT Quốc gia ở thời điểm này là không nên, kể cả những năm tới là chưa thể thực hiện được mà cần tiếp tục hoàn thiện để tổ chức tốt hơn.
Cùng với việc đánh giá Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, thiếu sót trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chưa có chỉ đạo gì về việc thay đổi kỳ thi này nên Bộ cần tiếp tục lộ trình cải cách thi cử. Tuy nhiên, trong quá trình đó Bộ cần tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu những ý kiến góp ý của nhân dân và giới chuyên gia để kỳ thi này đảm bảo thực chất, đánh giá đúng chất lượng giáo dục địa phương và không xảy ra gian lận.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!