Thông tin về quá trình chuẩn bị và triển khai học bạ số cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo, đối với nhiệm vụ triển khai học bạ số, ngày 30/7/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 904/KH-BGDĐT về triển khai học bạ số cấp trung học.
Việc triển khai học bạ số cho các cơ sở giáo dục trung học có học sinh học chương trình giáo dục phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm đảm bảo sự đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục. Tạo thuận tiện, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng học bạ số thay thế học bạ giấy góp phần cải cách hành chính có sử dụng học bạ; phù hợp với điều kiện hạ tầng về công nghệ thông tin và cách tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục hiện nay.
Qua quá trình khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, đến thời điểm này, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm học bạ số và ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan triển khai các công việc liên quan đến học bạ số.
Các cơ sở giáo dục đã có phần mềm quản lý trường học. Cán bộ quản lý, giáo viên đã làm quen với nghiệp vụ phần mềm quản lý trường học. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai học bạ số tại các địa phương.
Hiện nay, cơ bản các Sở GD&ĐT đã gửi dữ liệu học bạ số về Bộ GD&ĐT. Việc triển khai học bạ số các cấp đồng bộ cũng thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành giáo dục, góp phần triển khai hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, việc triển khai học bạ số cấp trung học là việc mới nên còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện liên quan đến cơ sở hạ tầng; cấp, quản lý chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên; cơ sở pháp lý; kinh phí thực hiện; phần mềm; tính bảo mật thông tin, chính xác của cơ sở dữ liệu, phương án xử lý trong một số trường hợp phát sinh cụ thể… Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các địa phương, từ cấp quản lý, chuyên viên phụ trách các phòng thuộc Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các nhà trường để lắng nghe, đưa ra các giải pháp giúp bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hơn trong quá trình chính thức triển khai học bạ số cấp trung học tại các địa phương trong thời gian sắp tới.
Tại hội thảo, ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia trao đổi với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT ở nhiều góc độ khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai học bạ số cấp trung học.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn Ngô Văn Hiền cho rằng: Triển khai học bạ số toàn ngành giáo dục là chủ trương đúng đắn, cần thiết phải thực hiện nhằm đảm bảo sự liên thông, liên kết giữa các cấp bậc học. Năm học vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện học bạ số cấp tiểu học và hiện nay đang triển khai ở cấp trung học.
Để thực hiện hiệu quả học bạ số cấp trung học, ông Ngô Văn Hiền mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các cấp, các đơn vị tại địa phương triển khai. Đặc biệt là cần chi tiết hóa các quy định về phân cấp, phân quyền quản lý học bạ số. Đồng thời, thống nhất, nhất quán các quy định trước đó về học bạ giấy để có sự đồng bộ trong quá trình triển khai.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Trọng, việc triển khai học bạ số là xu hướng tất yếu, phù hợp với bối cảnh xã hội chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý hơn đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên do các trung tâm hiện nay được quản lý bởi hai cơ quan chủ quản. Giáo viên của các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay chủ yếu là giáo viên hợp đồng và thỉnh giảng, vì vậy cũng đặt ra những băn khoăn trong việc cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Bạch Đăng Khoa chia sẻ mong muốn việc triển khai học bạ số được thực hiện ở các cấp học để đảm bảo sự liên thông trong quá trình học tập của một cá nhân. Đồng thời cho rằng, cần có sự khớp nối giữa các doanh nghiệp cung cấp phần mềm với các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT và dữ liệu ngành Giáo dục đạt được mục tiêu thuận tiện trong quản lý, tra cứu, lưu trữ dữ liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!