Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Sau lễ khai giảng 5/9, ngày hôm qua (7/9), hàng triệu học sinh trên cả nước đã chính thức bắt đầu ngày học đầu tiên của năm học mới 2020 - 2021. Đáng nói, đây cũng là buổi học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 1, đánh dấu một thời điểm cải cách, đổi mới giáo dục của Việt Nam.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. So với chương trình hiện hành, chương trình mới có ít môn học hơn, lớp 1 có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc.
Lần đầu tiên, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường.
So với chương trình hiện hành, chương trình mới có ít môn học hơn, lớp 1 có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc. Ảnh minh họa: Dân trí.
Đây cũng là lần đầu tiên, nội dung giáo dục địa phương được đưa vào trong kế hoạch giáo dục bắt buộc, nội dung do các địa phương biên soạn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm mới đáng chú ý là nếu như chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức thì chương trình mới xây dựng theo mô hình phát triển năng lực. Bằng cách tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Dễ nhận thấy với nhiều trường học tại các thành phố lớn, những nội dung có tính đổi mới căn bản trong chương trình giáo dục phổ thông mới không quá xa lạ, khi nhiều năm nay, bằng cách này hay cách khác, mỗi nhà trường đều nỗ lực thay đổi, từ phương pháp dạy học tới các điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa vẫn còn rất nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên. Làm sao để đáp ứng chuẩn đầu ra đối với chương trình mới đang đòi hỏi nỗ lực vượt khó của mỗi giáo viên, mỗi nhà trường.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Kỳ vọng về một thế hệ mới
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!