Khi sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh"
Lâu nay, các giáo viên đã quen dạy học bám sát nội dung sách giáo khoa, thậm chí nhiều thầy cô dạy đúng đến từng câu từng chữ. Chính vì thế, cuốn sách giáo khoa hiện hành được coi như "pháp lệnh" đối với giáo viên. Tuy nhiên, điều này sẽ hoàn toàn thay đổi trong thời gian tới, khi chương trình chỉ có 1 nhưng sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Vai trò chủ động của giáo viên trong việc biên soạn giáo án, tổ chức kế hoạch dạy học được đề cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Trường Tiểu học Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến đón khoảng 245 học sinh vào lớp 1 trong năm học 2020 - 2021. Sau khi làm việc theo đúng quy trình, trường chọn 3 bộ sách giáo khoa cho 9 môn học. Tiếc vì không thể chọn cả 5 bộ sách giáo khoa để dạy là tâm trạng của không ít giáo viên nhưng theo các chuyên gia về chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên chọn 1 bộ sách để dạy nhưng vẫn có thể tham khảo các bộ còn lại. Bởi giáo án của các thầy cô không nhất thiết phải bám sát sách giáo khoa.
Sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh" mà chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên còn sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên, miễn sao đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra của chương trình môn học.
Khi sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh" nhất nhất phải làm theo mà chỉ là một học liệu quan trọng cho giáo viên tham khảo dạy học, chính các thầy cô cũng phải thay đổi, năng động, sáng tạo, dám thử nghiệm nhiều hơn để làm mới chính mình và bài giảng của mình mỗi ngày.
Chương trình mới, tư duy mới
Thực tế đã chứng minh, ở đâu có những người đứng đầu ngành giáo dục các cấp quyết liệt và thực sự thay đổi tư duy quản lý thì ở đó, giáo dục địa phương song hành với lộ trình đổi mới.
Tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương đi đầu về đổi mới giáo dục. Từ 5 năm nay, các trường tiểu học ở Lào Cai đã đổi mới. Thay vì lối quản lý áp đặt, các Hiệu trưởng giao quyền chủ động thiết kế bài giảng cho giáo viên.
Thử nhiệm nhiều mô hình giáo dục mới, mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, những thành công của ngành giáo dục tỉnh Lào Cai cho thấy giáo dục sẽ đổi mới thành công một khi địa phương nắm chắc các hướng dẫn của cơ quản lý nhà nước, các cấp lãnh đạo quyết liệt đổi mới giáo dục, hiệu trưởng các trường dám nghĩ dám làm, chú trọng xây dựng văn hóa nhà trường theo hướng dân chủ, sáng tạo, tôn trọng người thầy. Học sinh sẽ là người được hưởng lợi cuối cùng từ chính những thay đổi tích cực này.
Quá trình đổi mới giáo dục không thể đem đến kết quả trong ngày 1 ngày 2, ngành giáo dục Lào Cai cũng đã mất 5 năm kiên trì để bắt đầu gặt hái quả ngọt. Cùng với những địa phương khác, nhiều đốm lửa nhỏ sẽ thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, từ đó, góp phần thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!