Cho phép học sinh lớp 10 được lựa chọn môn học
Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, trong đó chương trình lớp 10 được đặc biệt quan tâm, vì lớp 10 đánh dấu bước chuyển quan trọng đối với học sinh, hướng tới mục tiêu cụ thể trong những năm học phổ thông, đỗ vào trường đại học hoặc ngành học mà các em mong muốn.
Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục. Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Điểm mới quan trọng nhất của chương trình lớp 10 mới nói riêng và bậc THPT nói chung là cho phép học sinh được lựa chọn môn học, nội dung học.
Cụ thể, học sinh sẽ học Các môn học và HĐGD bắt buộc, Các môn học lựa chọn, Các chuyên đề học tập và Các môn học tự chọn.
Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học. Bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.
Môn học lựa chọn là những môn mà học sinh được phép lựa chọn từ 3 nhóm môn học.
- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
- Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học.
- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mĩ thuật).
Học sinh được chọn học 5 môn từ 3 nhóm môn này, mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn.
Ngoài việc lựa chọn môn học, đối với một số môn như Công nghệ, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc, học sinh còn được chọn nội dung học trong mỗi môn.
Có nhiều phương án để xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn. Khi triển khai, các trường có thể chủ động trong định hướng, xây dựng các tổ hợp môn học, trên cơ sở đáp ứng nhu cầu người học, và phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Các chuyên đề của môn Mỹ thuật
Một số môn học có các chuyên đề học tập. Chẳng hạn: môn Công nghệ có chuyên đề Công nghiệp và Nông nghiệp. môn Mỹ thuật có nhiều chuyên đề khác nhau, như thiết kế công nghiệp, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, điêu khắc, hội họa, kiến trúc…Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Triển khai như thế nào cho hợp lý, hiệu quả?
Việc phân hóa môn học ngay từ năm học lớp 10 sẽ giúp cho học sinh có kế hoạch học tập phù hợp, đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn vào môn thế mạnh, năng khiếu, nhìn nhận và đánh giá khả năng, năng lực và sở thích của mình. Nhưng do đây là lần đầu triển khai, thời gian chuẩn bị lại không còn nhiều nên có những băn khoăn lo lắng nhất định.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Các nhà trường cần căn cứ vào năng lực, trình độ học sinh cũng như đặc điểm khu vực của các vùng miền để lựa chọn sách phù hợp sao cho giáo viên và học sinh dạy và học một cách tốt nhất".
Lâu nay, việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp hay trên giảng đường đại học. Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Đức, Mỹ, Nhật Bản… đã đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học. Bởi tại các quốc gia này, việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và học sinh dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp.
Chương trình cấp 3 của Mỹ theo hệ thống tín chỉ, có nhiều môn tự chọn, chiếm tới 30%. Học sinh có thể lựa chọn như khi nào sẽ học môn đó, môn nào hợp sở thích và khả năng, học môn đó ở trình độ nào (học để ra trường làm công nhân, học để vào trường đại học tiểu bang, hay học để có thể được nhận vào các trường danh tiếng như Harvard), hoặc chọn những môn hợp với một chuyên ngành nhất định ở Đại Học. Học sinh thậm chí có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian ra trường. Chương trình học đầy linh động này thích ứng được với sự khác biệt của mỗi học sinh, và từ đó phát huy được niềm đam mê học và khả năng sáng tạo của các em.
Chương trình cấp 3 của Mỹ theo hệ thống tín chỉ. Học sinh có thể lựa chọn môn nào hợp sở thích và khả năng, học môn đó ở trình độ nào
Trong những năm học cấp 3, đội ngũ giáo viên cố vấn của trường sẽ đồng hành với học sinh. Trung bình một tuần sẽ có một tiết học với giáo viên cố vấn. Trong tiết học, giáo viên hướng dẫn học sinh cách tra cứu thông tin các trường đại học, làm hồ sơ ứng tuyển, chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa như SAT hay TOEFL.
Giáo viên cố vấn cũng theo sát các em học sinh và có những buổi trao đổi riêng để gợi ý chương trình học phù hợp với năng lực học tập và tài chính, hoàn cảnh gia đình, sự trưởng thành về tâm sinh lý của các em.
Những sự định hướng sẽ giúp học sinh xác định được hướng đi phù hợp trong tương lai. Các em sẽ thấy tự tin hơn khi đã chuẩn bị hành trang vững chắc, củng cố kiến thức hay có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Nhiều năm nay, chúng ta đã bàn cãi nhiều về tình trạng thừa thầy thiếu thợ, rồi sinh viên ra trường thất nghiệp. Đó là hậu quả của việc định hướng nghề nghiệp chưa được coi trọng. Hệ quả lãng phí nguồn lực xã hội là rất lớn.
Do đó, việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh tương lai cũng ngày càng lớn hơn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là cách triển khai như thế nào cho hợp lý, hiệu quả trong thực tiễn, khi thời gian chuẩn bị không còn nhiều, đồng thời việc tổ chức thi tốt nghiệp trong tương lai cần thay đổi cho phù hợp cũng cần phải được tính toán.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!