Chẳng ai trong chúng ta lại muốn mình phải làm việc ở những điều kiện khó khăn, gian khổ. Và khi buộc phải làm trong điều kiện như vậy, nhiều người tìm cách rời bỏ. Nhưng ở những ngôi trường của Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu, các giáo viên vẫn đang bám trường, bám bản. Trong số đó có cô giáo Ngọc, Hiệu trưởng một trường mầm non nơi đây. 13 năm dạy học, cô đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục, mang lại cơ hội học tập tốt hơn cho những đứa trẻ vùng cao.
Sì Lở Lầu là xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cô Ngọc là Hiệu trưởng trường mầm non của xã. Ngoài điểm trường trung tâm còn 5 điểm trường nằm ở các bản.
Sau rất nhiều nỗ lực, trường mầm non Sì Lở Lầu những năm gần đây đã vận động được tất cả phụ huynh cho con đi học đầy đủ. Vẫn có những bạn chưa quen nhưng cô Ngọc và các giáo viên trong trường đều giúp các bé thích nghi được. Cô Ngọc đã làm công việc này 13 năm nay.
Cô Ngọc (áo tối màu) và các em học sinh vùng cao
Sửa lại quần áo của mình, đi xin, đi vận động, năm nào, cô Ngọc cũng có một một bộ quần áo mới cho tất cả các học sinh. Đó là cái mặc, còn chuyện ăn, cô Ngọc đã làm được việc mà hiện giờ 7 xã biên giới khác của Sì Lở Lầu chưa làm được: tổ chức bữa ăn cho học sinh mầm non.
Từ chỗ lớp tạm, tranh tre, nứa lá, học sinh đi học không đều, đến nay tỷ lệ huy động học sinh ra lớp của trường Sì Lở Lầu đạt 100%, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 13%.
Cô Ngọc chỉ có một mình ở căn nhà đang mượn của xã. Chồng cô qua đời 3 năm trước vì tai nạn giao thông. Hai con học xong đại học đã đi làm. Dẫu có lúc khó khăn nhưng cô Ngọc không nghĩ đến chuyện rời bỏ vùng biên cương này.
Cô Ngọc đang được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!