Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ

PV-Thứ sáu, ngày 13/04/2018 17:39 GMT+7

Sinh viên học kỹ năng phiên dịch tại phòng lab

VTV.vn - Viện Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đi tiên phong trong việc mở ra ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ và chương trình Cử nhân Tiếng Anh.

Hướng đi khác biệt, phương pháp đào tạo tiên tiến, các môn học mới lạ

Trong nhiều thập kỷ qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam. Ngoài những ngành đào tạo truyền thống, từ năm 2000, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đi tiên phong trong việc mở ra ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (KHKT&CN) và sau đó là chương trình Cử nhân Tiếng Anh Chuyên nghiệp Quốc tế. Cả hai chương trình đã và đang khẳng định được thương hiệu về chất lượng sau 17 năm tuyển sinh và đào tạo.

Điểm khác biệt của chương trình đào tạo Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ của Viện Ngoại ngữ - Đại học Bách khoa Hà Nội chính là hướng đi khác biệt so với hầu hết các chương trình đào tạo ngôn ngữ Anh ở bậc đại học khác. Trọng tâm của chương trình hướng tới các kỹ năng ngôn ngữ trong môi trường kỹ thuật - một xu hướng ngày càng thịnh hành và quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực đón nhận đầu tư và chuyển giao công nghệ.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ - Ảnh 1.

Phát triển kỹ năng mềm - một trọng tâm của chương trình đào tạo

Sinh viên khi ra trường ngoài khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong các môi trường làm việc thuộc lĩnh vực KHKT&CN còn có thể biên dịch các văn bản bằng tiếng Anh, đặc biệt là các tài liệu thuộc lĩnh vực KHKT&CN, phiên dịch trong các hội thảo, khoá học, giao dịch trực tiếp, giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở đào tạo, và làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ và quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, chương trình Cử nhân Tiếng Anh Chuyên nghiệp Quốc tế (International Professional English - IPE) cũng là một lựa chọn phù hợp cho các bạn học sinh muốn học tập, làm việc trong môi trường quốc tế hóa cao. Đây là chương trình hợp tác đào tạo chính quy song bằng giữa trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Plymouth Marjon, Vương quốc Anh. Sinh viên chương trình IPE học tập tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian 04 năm theo khung chương trình đào tạo do trường ĐH Plymouth Marjon và trường Đại học Bách khoa Hà Nội thống nhất.

Khi tốt nghiệp, sinh viên nhận 02 bằng tốt nghiệp: 01 bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và 01 bằng BA Honours International Professional English (Cử nhân Tiếng Anh Chuyên nghiệp Quốc tế) của trường ĐH Plymouth Marjon. Toàn bộ quá trình đào tạo, kiểm tra và đánh giá được trường ĐH Plymouth Marjon kiểm định sát sao hàng năm theo tiêu chuẩn quốc tế. Sinh viên chương trình IPE có quyền truy cập và sử dụng tài nguyên trong cơ sở dữ liệu của trường ĐH Plymouth Marjon dưới dạng điện tử và tham gia chương trình trao đổi sinh viên và học tập chuyển tiếp 1 - 2 học kì tại trường ĐH Plymouth Marjon. Sinh viên tốt nghiệp chương trình IPE có cơ hội nghề nghiệp đa dạng, có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ - Ảnh 2.

Sinh viên chương trình IPE nhận 2 bằng tốt nghiệp do ĐH Bách Khoa và ĐH Plymouth Marjon trao

Nhờ nhận thức rõ vai trò của đào tạo không chỉ là cung cấp kiến thức chuyên môn vững mà còn phải cung cấp các kỹ năng giải quyết vấn đề và ứng xử chuyên nghiệp trong môi trường làm việc, Viện Ngoại ngữ - Đại học Bách khoa Hà Nội đã mạnh dạn áp dụng các phương pháp đào tạo tiên tiến và các môn học mới lạ.

Thạc sỹ Phạm Hoài Anh, cựu sinh viên khóa 45, tốt nghiệp Thạc sỹ theo chương trình học bổng toàn phần tại trường Đại học Cambridge và hiện là giảng viên kiêm Phó trưởng Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp của Viện Ngoại ngữ tự hào chia sẻ về tính ưu việt của hai chương trình này: "Sự kết hợp hài hòa giữa các môn học mang tính hàn lâm với các khóa học thực hành, phát triển nghề nghiệp là nét nổi bật ở đây. Sinh viên được rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm dự án, kỹ năng tự học, tự quản lý thời gian... - những kỹ năng hữu ích và thiết thực cho các em khi ra trường".

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với hành trang toàn diện bước vào đời

Với cách tiếp cận này, các cử nhân ngoại ngữ Bách khoa sau khi tốt nghiệp Viện Ngoại ngữ luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao vì khả năng tư duy phản biện tốt, khả năng giao tiếp, ứng xử thông minh, lịch thiệp, bên cạnh khả năng ngôn ngữ nổi trội.

Thạc sỹ Phạm Việt Hà, Giám đốc học thuật của Học viện Anh ngữ Oxford Việt Nam (một thành viên của mạng các trường Anh ngữ quốc tế của OEA Vương Quốc Anh) cho biết: "Từ năm 2007 đến nay, tôi luôn ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Viện Ngoại ngữ - trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đó là do là tôi nắm rõ và tin tưởng vào chương trình đào tạo, trình độ và phẩm chất giáo viên của Viện Ngoại ngữ và trường Đại học Bách khoa Hà Nội".

Cùng chung quan điểm, anh Đoàn Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dr. Localize, kiêm Trưởng phụ trách sản phẩm dịch của Google Inc. tự hào chia sẻ công ty của anh hàng năm đều nhận sinh viên Viện Ngoại ngữ - trường Đại học Bách khoa Hà Nội tới thực tập với lý do: "Các bạn có thái độ nghiêm túc, nhiệt tình, chịu khó học hỏi, thích tìm hiểu về quy trình và công nghệ; năng lực chuyên môn tốt và am hiểu chuyên ngành được đào tạo. Khi được đào tạo thêm trong môi trường chuyên nghiệp, các bạn nắm bắt nhanh và phát huy tốt sở trường của mình".

Trên thực tế, rất nhiều cựu sinh viên Viện Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã và đang từng bước khẳng định mình qua các vị trí đã đảm đương trên nhiều lĩnh vực nghề nghiệp và được các nhà tuyển dụng dành cho những nhận xét tích cực. Trần Ngọc Thịnh - một cựu sinh viên khóa 47 Viện Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời là tác giả cuốn sách "gây bão" gần đây "Du học không khó" - bộc bạch: "Cho đến giờ này, tôi vẫn thấy mình đã đúng khi chọn học tại Viện Ngoại ngữ, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở đây, ngoài các môn tiếng, chúng tôi còn được đào tạo khá toàn diện. Ra trường, tôi đã xin được một vị trí khá tốt ở một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, và sau 2 năm làm việc, với nỗ lực của mình, tôi đã giành được học bổng Fulbright ngành học Public Affairs. Tôi nghĩ rằng sự phát triển luôn cần một nền tảng vững chắc, và những gì được vun đắp trong 4 năm ở Viện Ngoại ngữ là một trong những nhân tố quan trọng giúp mỗi sinh viên thành công ở mọi lĩnh vực".

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ - Ảnh 3.

Đề cao tính tự chủ trong học tập

Ngoài ra, có thể kể tới chị Phạm Thị Quyên, cựu sinh viên Khoá 48, hiện là cán bộ quản lý kinh doanh, đại diện FPT Software tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ và đã được vinh danh là một trong 100 cán bộ xuất sắc nhất của FPT năm 2013. Hay như chị Chu Trà My, cựu sinh viên Khoá 50, hiện đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quản lý Khách hàng tại Công ty Kantar Worldpanel - công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu thị trường lớn thứ 2 trên thế giới. Một đồng môn của Trà My - chị Nguyễn Hải Vân - hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng Nhân sự tại Công ty kiểm toán KPMG Limited (Việt Nam và Campuchia).

Bên cạnh đó, không ít cựu sinh viên Viện Ngoại ngữ cũng đã tự tay gây dựng những công ty của riêng mình và từng bước ghi dấu ấn trên thương trường. Có thể kể đến chị Nguyễn Thị Mơ, người sáng lập kiêm giám đốc công ty Student Exchange Vietnam chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực trẻ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập toàn cầu. Và còn nhiều cựu sinh viên Viện Ngoại ngữ khác đã và đang đạt được những thành tựu vô cùng đáng tự hào trên con đường sự nghiệp.

Điều rất đáng tự hào đó là cựu sinh viên các khóa của Viện Ngoại ngữ cũng vinh dự được nhận những học bổng toàn phần danh giá như Chevening, Fullbrights, Cambridge, Australia Leadership Awards...

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở với ngành đào tạo Cử nhân Tiếng Anh Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ - Ảnh 4.

Chia sẻ niềm tự hào sinh viên Bách khoa

Trước vô vàn chương trình đào tạo cử nhân tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay, việc lựa chọn được một môi trường học tập lý tưởng, đảm bảo chất lượng đầu ra và mang lại những trải nghiệm học tập lý thú là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và học sinh luôn băn khoăn về khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Theo đó, Viện Ngoại ngữ - trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính là một địa chỉ tin cậy cho những bạn yêu thích Tiếng Anh muốn hoàn thiện năng lực ngôn ngữ và kĩ năng làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng tốt các đòi hỏi về tính năng động và khả năng sáng tạo mà sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ ngày nay đặt ra.

Một số thông tin tuyển sinh của Viện Ngoại Ngữ - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Chương trình Cử nhân Tiếng Anh Khoa học - Kỹ thuật và Công nghệ

- Mã xét tuyển: FL1

- Tổ hợp môn xét tuyển: Toán, Văn, Anh (Môn chính: Tiếng Anh)

- Chỉ tiêu tuyển sinh: 140

- Điểm trúng tuyển các năm trước: 23.04 (2015) - 22.44 (2016) - 24.50 (2017)

Chương trình Cử nhân tiếng Anh Chuyên nghiệp Quốc tế (International Professional English - IPE)

- Mã xét tuyển: FL2

- Tổ hợp môn xét tuyển: Toán, Văn, Anh (Môn chính: Anh)

- Chỉ tiêu tuyển sinh: 60

- Điểm trúng tuyển các năm trước: 22.41 (2015) - 21.87 (2016) - 24.50 (2017)

Địa chỉ liên hệ:

Viện Ngoại ngữ

208-209 D4, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Số 1 - Đường Đại Cồ Việt - Hà Nội

Tel: (+84) 24 - 3869 2201; Email: sofl@hust.edu.vn

Website: https://sofl.hust.edu.vn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước