Khắc phục khó khăn, linh hoạt các hoạt động
Năm học 2020-2021 là năm học thứ 2 ngành Giáo dục phải ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Bộ và Văn phòng các Sở, hoạt động chỉ đạo, điều hành toàn ngành vẫn thông suốt, ổn định. Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Giáo dục được xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam báo cáo tại Hội nghị
Văn phòng Bộ đã phối hợp với Văn phòng các Sở tham mưu với Bộ trưởng, Giám đốc Sở xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, bảo đảm chất lượng. Việc theo dõi, đôn đốc, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao được thực hiện thường xuyên, góp phần hoàn thành chương trình công tác và kế hoạch năm học của toàn ngành. Việc tham mưu trả lời kiến nghị của cử tri, của Đại biểu Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ.
Công tác tiếp nhận, phát hành văn bản được thực hiện đúng quy định, thẩm quyền, ngày càng chuyên nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh, qua đó phục vụ tốt việc chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Công tác quản trị công sở tại tất cả các văn phòng được thực hiện hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, công chức trong cơ quan.
Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai. Các Sở GDĐT đã thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, thành phố; công khai địa chỉ, điện thoại để liên hệ tiếp nhận sự ý kiến của người dân.
Về công tác truyền thông, trong năm học, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Văn phòng các Sở đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời nhằm định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời lan tỏa được các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong xã hội. Hoạt động truyền thông trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã được nhiều Sở GDĐT triển khai chủ động, sáng tạo, có hiệu quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn phòng và truyền thông giáo dục năm học vừa qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tham mưu, báo cáo cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở một số trường hợp còn chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; việc kiểm soát chất lượng văn bản phát hành có lúc còn chưa tốt; việc tham mưu cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết còn chậm; hiệu quả công tác truyền thông không đồng đều giữa các địa phương...
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các Sở GDĐT đã chia sẻ những kết quả cụ thể, những thuận lợi, khó khăn cũng như kinh nghiệm trong công tác văn phòng và truyền thông giáo dục tại địa phương. Khó khăn lớn nhất trong năm học vừa qua là ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, các Sở GDĐT đã có nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thành được các nhiệm vụ đặt ra.
Riêng về công tác truyền thông, đại diện nhiều Sở GDĐT đều đánh giá đây là công tác quan trọng và thời gian qua đã dành sự quan tâm nhất định cho công tác này. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục được làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là hoạt động truyền thông nội bộ, để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục - những người trực tiếp triển khai các chủ trương, chính sách giáo dục thấu hiểu, đồng thuận và chia sẻ.
Công tác văn phòng cần hỗ trợ tốt nhất cho dạy và học
Phát biểu ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác văn phòng và truyền thông giáo dục năm học vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ cần thực hiện đối với hoạt động văn phòng và truyền thông trong năm học 2021-2022.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh năm học mới, công tác khối văn phòng cần hỗ trợ tốt nhất cho dạy và học. Văn phòng Bộ cần phối hợp với các sở GDĐT trong tham mưu chỉ đạo tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tận dụng mọi cơ hội, tối ưu các phương pháp khác nhau.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Nơi nào học sinh có thể đến trường thì dạy học trực tiếp. Nơi nào chưa thể đến trường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Ở những nơi khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học truyền hình cần tham mưu các phương pháp khác phù hợp. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ trang thiết bị, máy tính học sinh, tập huấn giáo viên; làm việc với các đài truyền hình địa phương phát sóng, tiếp sóng các bài giảng cho học sinh.
Đối với công tác tham mưu tổng hợp, báo cáo thống kê, cải cách hành chính, Thứ trưởng đề nghị phải nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng. Công tác cải cách hành chính cần gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. "Cần thống nhất quan điểm mọi sự cải cách hướng tới mang lại lợi ích cho người học và người dân. Nhưng đồng thời cải cách hành chính phải mang lại thuận lợi cho các cơ sở gáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo. Như vậy mới là thành công", Thứ trưởng nói.
Chất lượng tham mưu báo cáo phải được nâng cấp, không chỉ báo cáo những việc đã làm mà phải tăng nhận định, dự báo và đề xuất. Lưu ý các chỉ số, số liệu thiết yếu của ngành. Tránh báo cáo chồng chéo nội dung, giảm thiểu số lượng báo cáo.
Đánh giá công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều chuyển biến, song theo Thứ trưởng, cần phải tiếp tục đổi mới công tác này theo hướng thiết thực và gắn lợi ích chung của ngành, giảm bớt hình thức, quy trình để tập trung vào mục tiêu và chỉ số. Đồng thời, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, tăng phân cấp phân quyền và tăng trách nhiệm.
Lưu ý về công tác truyền thông, Thứ trưởng cho rằng, cần nâng cao nhận thức vai trò của công tác truyền thông giáo dục, tăng cường truyền thông hiểu biết, tạo sự đồng thuận trước hết ở trong ngành, của đội ngũ giáo viên. Truyền thông để người học, gia đình và toàn xã hội đồng thuận, chia sẻ nhưng cũng đồng thời để làm rõ giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, qua đó tăng cường trách nhiệm của xã hội với sự nghiệp chung.
Thứ trưởng đề nghị, Văn phòng Bộ và các Sở GDĐT xây dựng chiến lược truyền thông chủ động, bố trí nguồn lực truyền thông. Trong đó, mục tiêu chung của là tăng cường sự hiểu biết, niềm tin của toàn xã hội và sự quan tâm thực thụ dành cho giáo dục. Truyền thông trước hết trong nội bộ ngành, lấy người học làm trung tâm, tăng niềm tin, tạo động lực gắn bó của đội ngũ giáo viên, sau đó là truyền thông liên ngành và truyền thông xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng cho rằng, cần quan tâm tới việc lựa chọn, bố trí, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thông. Ngoài đội ngũ cán bộ chuyên trách, cũng cần quan tâm tập huấn cho đội ngũ Hiệu trưởng, giáo viên về công tác này. Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới truyền thông, đội ngũ cộng tác viên ủng hộ ngành, chia sẻ sự cộng hưởng trong các chính sách truyền thông.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT Trần Quang Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng các Sở GDĐT cần tham mưu kịp thời cho Giám đốc Sở chỉ đạo tổ chức triển khai kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, trong đó tận dụng tối đa thời gian dịch bệnh được kiểm soát để tổ chức dạy học trực tiếp. Đồng thời sớm có phương án tham mưu hỗ trợ trang thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp nên cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để làm việc, học tập trực tuyến. Văn phòng các Sở GDĐT cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.
Ông Trần Quang Nam cũng đề nghị Văn phòng các Sở GDĐT tích cực rà soát, tham mưu cho lãnh đạo Sở để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết. "Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới học sinh, giáo viên và các nhà trường, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay", ông Nam nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!