Cử nhân sư phạm "mai phục" nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 21/08/2017 20:02 GMT+7

VTV.vn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trăn trở: “Giờ ‘chạy việc’ rất khó! Nhiều cử nhân sư phạm ‘mai phục’ dạy hợp đồng trong trường nhiều năm nhưng chưa vào được biên chế”.

‘Nóng’ vấn đề tuyển sinh của ngành sư phạm, biên chế giáo viên

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, vấn đề được nhắc tới nhiều là tuyển sinh của trường sư phạm, cơ hội xin việc của sinh viên ngành sư phạm, thừa thiếu giáo viên, biên chế giáo viên.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ở điểm cầu Nam Định, đại diện Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, trong thời gian vừa qua, rất nhiều cơ sở đào tạo giáo viên, nhưng tuyển sinh không dựa trên nhu cầu nhân lực thực tiễn. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều hơn.

Về vấn đề biên chế giáo viên, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang chỉ ra bất cập khi tỉnh còn thiếu biên chế nhưng lại không được đầu tư thêm đội ngũ nhà giáo.

"Hiện ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp, trong đó bậc mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế, nhưng biên chế lại phân theo số học sinh. Kiên Giang là tỉnh vùng sâu, vùng xa, có hơn 700 trường học nhưng có tới 1.900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm là 5-10 km nên không thể giảm hơn. Cần bố trí giáo viên theo lớp học thay vì bố trí theo đầu học sinh", bà Nguyễn Thị Minh Giang cho biết.

Cử nhân sư phạm mai phục nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế - Ảnh 1.

Hiệu trưởng trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh

Về vấn đề điểm chuẩn ngành sư phạm trong đợt tuyển sinh vừa qua thấp, theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, đây là hệ lụy của việc đào tạo quá nhiều, khiến cung vượt quá cầu. "Cần cấp học bổng cao, cam kết vị trí việc làm để thu hút sinh viên vào ngành sư phạm. Và đó là cơ sở để Nhà nước đặt hàng", Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh đưa ra ý kiến nhằm thu hút sinh viên đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm.

Trước những ý kiến về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Chúng ta có Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục, nắm được dân cư trên địa bàn, dự báo số lượng học sinh và nắm được tình hình và dự báo được biên chế cần của giáo viên từng môn, từng cấp. Cho nên, chuyện để thừa giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có hệ lụy học sinh không muốn thi vào trường Sư phạm.

Tôi rất chia sẻ với chế độ đãi ngộ của giáo viên nhưng chế độ đãi ngộ như hiện tại là chưa đủ. Nếu giáo viên ra trường có thể xin được việc ngay thì ngành Sư phạm sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều. Và nếu nâng được chế độ đãi ngộ cho giáo viên thì càng hấp dẫn hơn nữa".

Cử nhân sư phạm mai phục nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Thực trạng của ngành Sư phạm là nhiều sinh viên ra trường không thể xin được việc. ‘Chạy việc’ rất khó. Rất nhiều cháu ‘mai phục’ dạy hợp đồng trong trường nhiều năm nhưng chưa vào được biên chế".

Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trọng tâm của ngành sư phạm hiện nay không còn là đào tạo mới mà là bồi dưỡng tiếp giáo viên. "Giáo viên bậc phổ thông liên quan đến địa bàn. Không thể điều giáo viên đang ở huyện này sang huyện khác, Tôi đề nghị, Bộ GD&ĐT bàn với Bộ Nội vụ thống nhất về vấn đề này để chỉ đạo". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng có chung quan điểm khi cho rằng, giáo viên là viên chức do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ quản lý. Vì thế, Bộ GD&ĐT và Nội vụ cần có sự phối hợp, điều chỉnh hợp lý.

Đánh giá cao kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra những mặt tích cực và những bấp cập của ngành Giáo dục trong năm học qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến 5 vấn đề bất cập của ngành giáo dục của ngành giáo dục. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận thẳng thắn ngành Giáo dục cũng đã có những mặt đáng ghi nhận trong đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, kết hợp với tuyển sinh.

Cử nhân sư phạm mai phục nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã có bước tiến lớn, nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh và xã hội. Kỳ thi đã hoàn thành đánh giá kết quả học sinh phổ thông sau 12 năm học, công tác phân luồng đã có độ chuyển nhất định.

Đại diện các địa phương cũng đánh giá cao kỳ thi THPT quốc gia. Các đại biểu cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 diễn ra hết sức nghiêm túc, không tạo áp lực nặng nề cho thí sinh, người nhà thí sinh do không phải di chuyển xa gây tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như những năm trước. Mặt khác, với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, kết quả kỳ thi được đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời… Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng cũng diễn ra nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được lựa chọn các nguyện vọng theo sở thích, phù hợp với năng lực.

Cử nhân sư phạm mai phục nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế - Ảnh 4.

Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục.

Các đại biểu đề nghị trong năm 2018 sắp tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia như năm 2017 trên cơ sở phát huy thành công của kỳ thi vừa qua, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa những vấn đề kĩ thuật để kỳ thi hoàn thiện hơn, đặc biệt là ở khâu ra đề thi.

Đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành phố đã đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nên bắt đầu từ năm học 2019-2020 thay vì năm học 2018-2019 như dự kiến.

Các đại biểu đánh giá, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc, bài bản lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT thông qua đã khá hoàn chỉnh tuy nhiên việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn quốc cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giáo viên và như cơ sở vật chất. Do đó, một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nơi khó có điều kiện thực hiện xã hội hóa sẽ gặp khó khăn khi triển khai.

Cử nhân sư phạm mai phục nhiều năm vẫn chưa vào được biên chế - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018-2019:

Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngành giáo dục tập trung đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, uy tín sẽ là trung tâm. Các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh, trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

Cần chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, ngành đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước