Cuộc thi tranh biện lần đầu tiên của IOM nhằm ngăn chặn mua bán người

P.V-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 21:53 GMT+7

VTV.vn - Vòng bán kết cuộc thi tranh biện lần đầu tiên do IOM (Tổ chức Di cư Quốc tế) tổ chức đã chính thức khởi động ngày hôm nay (4/3) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Cuộc thi là sáng kiến của IOM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) trong chuỗi phong trào nâng cao nhận thức về di cư là chìa khóa để phòng, chống mua bán người.

Những đóng góp của người di cư Việt Nam đối với phát triển kinh tế và xã hội tại cả quốc gia nguồn và quốc gia đích đã được nghiên cứu và cho thấy các tác động tích cực. Dù khả năng phục hồi cao nhưng người lao động di cư vẫn là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội khi họ phải đối mặt với nạn cưỡng bức lao động và mua bán người trong suốt quá trình di cư. Nhiều người lao động di cư liên tục phải trải nghiệm quá trình tuyển dụng lao động phi đạo đức, trong đó bao gồm phí tuyển dụng và các chi phí liên quan quá cao, bị lừa gạt và bị cung cấp thông tin di cư không chính xác cũng như không có sự tự do đưa ra lụa chọn cho bản thân mình. Tại các điểm (quốc gia) đích, người lao động thường làm công việc tạm thời, không chính thức hoặc không được bảo vệ, khiến họ có nguy cơ cao bị mất an toàn, bị sa thải và phải sống, phải làm việc trong điều kiện tồi tệ.

Cuộc thi tranh biện lần đầu tiên của IOM nhằm ngăn chặn mua bán người - Ảnh 1.

Để đảm bảo các cá nhân và cộng đồng được trao quyền chủ động đưa ra những quyết định sáng suốt về di cư, IOM đặt mục tiêu tăng cường sự quan tâm và kiến thực cho giới trẻ Việt Nam về di cư an toàn là chìa khóa để giải quyết nạn mua bán người và nô lệ hiện đại tại Việt Nam thông qua tập đặc biệt của chương trình tranh biện "Trường Teen".

Cuộc thi kêu gọi các bạn thanh thiếu niên độ tuổi từ 16 đến 20 trên cả nước gửi các đoạn video ngắn chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề di cư như là một cơ hội đổi đời.

Sau 2 tuần, IOM đã nhận được 115 bài dự thi với nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. 29 thí sinh đến từ Hải Phòng, Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh đã xuất sắc được lựa chọn tham gia chương trình tập huấn trước khi vòng bán kết diễn ra tại Hà Nội.

Cuộc thi tranh biện lần đầu tiên của IOM nhằm ngăn chặn mua bán người - Ảnh 2.

Trong buổi gặp mặt, các thí sinh được tập huấn về kỹ năng tranh biện và được trang bị kiến thức về thông tin cơ bản liên quan đến di cư và mua bán người; di cư hợp pháp và di cư trái phép; các bước để đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi di cư. 16 thí sinh được chia thành 4 nhóm để tham gia vòng bán kết.

"Các bạn thí sinh đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về nhiều mặt của di cư và mua bán người. Tôi rất vui khi xem các phần tranh biện của các bạn thí sinh và tôi thấy được truyền cảm hứng bởi sự sáng tạo và tư duy cởi mở của các bạn để giải quyết các vấn đề quan trọng về rủi ro và cơ hội do các hình thức di cư khác nhau mang lại" - bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM chia sẻ.

"Với nền kinh tế toàn cầu hiện nay, việc dịch chuyển của con người là không thể tránh khỏi và chúng ta cần phải tìm cách đạt được mục tiêu di cư an toàn và nhân đạo, điều mà có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Khi tôi nhìn thấy một bạn thí sinh đứng trên sân khấu và tự tin thuyết trình về ý tưởng của bạn về di cư, tôi nghĩ rằng giới trẻ có tiếng nói mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ chiến dịch di cư an toàn nào. Tôi hi vọng rằng tất cả các bạn thí sinh tham gia cuộc thi có thể học được cách làm chủ và đưa ra quyết định cho chính mình với sự nhận thức và thông tin đầy đủ" - bà Park Mihyung cho biết.

Cuộc thi tranh biện lần đầu tiên của IOM nhằm ngăn chặn mua bán người - Ảnh 3.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew cũng chia sẻ: "Những bạn trẻ ngày hôm nay là những người đưa ra quyết định trong tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải thúc đẩy đối thoại và tăng cường sự thấu hiểu với giới trẻ và giúp họ có được những kiến thức cần thiết về di cư an toàn, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như những cơ hội và thách thức để đưa ra quyết định đúng đắn và bảo vệ bản thân trước nguy cơ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương như bị mua bán hoặc bị bóc lột".

Cuộc thi tranh biện được tổ chức trong khuôn khổ Dự án "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ hiện đại tại Việt Nam" (gọi tắt là Dự án TMSV) do Chính phủ Vương quốc Anh và tổ chức IOM tài trợ. Cuộc thi được phát động thông qua trang Facebook của IOM Việt Nam, VTV7 và trang web dự án xã hội của IOM là "Nghĩ trước bước sau". Các thí sinh chiến thắng ở vòng bán kết sẽ tham gia tập đặc biệt về di cư và mua bán người của chương trình Trường Teen vào ngày 12/3.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước