Hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm lần đầu tiên được xây dựng xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó, bậc tiểu học chỉ là hoạt động trải nghiệm. Còn từ bậc THCS đến THPT là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông được phân chia theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1 là giáo dục cơ bản: Bằng hoạt động trải nghiệm của bản thân trong các hoạt động khác nhau, mỗi học sinh vừa tham gia vừa thiết kế và tổ chức các hoạt động cho chính mình, qua đó tự khám phá, điều chỉnh bản thân, điều chỉnh cách tổ chức hoạt động để sống và làm việc hiệu quả. Ở giai đoạn này, mỗi học sinh bước đầu xác định được sở trường và chuẩn bị một số năng lực cơ bản của người lao động và người công dân có trách nhiệm.
- Giai đoạn 2 là giáo dục định hướng nghề nghiệp: Chương trình Hoạt động trải nghiệm tiếp tục phát triển những phẩm chất và năng lực đã hình thành từ giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng và hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhưng tập trung cao hơn vào việc phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.
Vì là hoạt động mới nên một số nơi, các nhà trường cảm thấy lúng túng khi tổ chức thực hiện. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều trường rất chủ động trong việc tổ chức các hoạt động đa dạng và thiết thực.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ tổ chức 3 tiết/tuần, bao gồm giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần và học theo chủ đề. Thế nhưng, nhiều nhà trường không cứng nhắc cứ một tuần là phải tổ chức 3 tiết. Hoạt động này sẽ được tính toán để có thể tổ chức theo cả một tuần trải nghiệm. Học sinh hình thành kỹ năng, tích lũy kiến thức và từ đó, cả học sinh và giáo viên đều thấy được những giá trị khác ở trường học.
Các trò chơi, thí nghiệm hay các chương trinh sân khấu hóa là những cách làm đa dạng trong hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm. Từ đây, các em sẽ tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học và lĩnh vực giáo dục khác nhau. Hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh chính là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Không chỉ các hoạt động ở nhà trường, hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm còn có thể tổ chức các chuyến đi ra bên ngoài để học sinh có cái nhìn thực tế. Thế nhưng, bên cạnh những trường làm tốt thì lại có ý kiến là cách tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp một số nơi không khác gì một chuyến đi chơi dã ngoại. Và có cả lo ngại, sẽ có nơi lợi dụng hoạt động đưa học sinh ra ngoài hướng nghiệp, trải nghiệm để trục lợi từ việc thu phí của học sinh. Vì thế, các nhà trường sẽ phải thật rõ ràng, minh bạch khi tổ chức các hoạt động này và chỉ tổ chức nếu được sự đồng thuận của học sinh và phụ huynh.
Thời gian này, học sinh các cấp trên toàn quốc đang bước vào kỳ thi cuối học kỳ 1, trong đó việc ôn tập các kiến thức đã được học là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết đối với cả giáo viên và học sinh. Việc ghi nhớ và nắm chắc được một lượng kiến thức khá lớn để có thể tự tin bước vào kì thi chính là điều mà rất nhiều học sinh và cả phụ huynh đều quan tâm. Phương pháp học bằng Sơ đồ tư duy có thể là một gợi ý hữu ích khi kỳ thi đang gần kề.
Hiện nay, phương pháp học tập bằng Sơ đồ tư duy đang khá phổ biến trong các trường phổ thông nhờ cách ghi nhớ bằng các từ khóa và hình ảnh khiến cho việc dạy và học trở nên sinh động hơn. Phương pháp này còn phát triển thông qua ứng dụng "5 phút thuộc bài" và đã nhận được phản hồ tích cực của cộng đồng giáo viên và học sinh.
Hơn 4.000 video bài giảng từ lớp 1 đến lớp 12 theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo được 400 thầy cô giáo dạy giỏi trên toàn quốc thực hiện bằng phương pháp Sơ đồ tư duy. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm bám sát sách giáo khoa cũng được biên soạn song song để củng cố kiến thức, giúp cho học sinh hệ thống hóa kiến thức một cách nhanh chóng khi các kỳ thi đã gần kề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!