Đa dạng phương thức xét tuyển: Cánh cửa hẹp cho học sinh vùng khó?

Bích Thuỷ, Bằng Việt-Thứ năm, ngày 03/03/2022 11:45 GMT+7

VTV.vn - Trong khi học sinh thành phố lớn đang có nhiều con đường vào đại học thì học sinh vùng khó lại lo ngại cánh cửa giảng đường đang hẹp hơn với các em.

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH "top" đầu đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Mặc dù phương thức tuyển sinh không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2021 song chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt khi tỉ lệ xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT đã giảm sâu.

Ước mơ trở thành sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội thế nhưng khi nhà trường mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, Nông Thị Thanh Ngà - học sinh trường THPT Liên Hoa, huyện Na Hang, Tuyên Quang vẫn chỉ có thể lựa chọn con đường truyền thống.

''Điều kiện đi lại khó khăn với lại xuống dưới đó đề thì vẫn còn rất mới mẻ so với chúng em học trên này nên là em vẫn lựa chọn thi THPT'', Ngà cho biết.

Đóng trên địa bàn Na Hang, huyện vùng sâu vùng xa nhất tỉnh Tuyên Quang, hiện đa phần học sinh tại trường THPT Liên Hoa vẫn dự định dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học.

Thầy giáo Ma Văn Thế, Phó Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoa, huyện Na Hang, Tuyên Quang cho biết: ''50% các em thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn nên khó có thể tham gia các kỳ thi riêng. Một em đi thi, một người đi kèm nên rất là tốn kém''.

Trong khi đó, nhiều trường đại học top đầu dự kiến giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn từ 10-20%. ''Lúc này, em cũng rất là mông lung bởi vì % dự tuyển theo phương thức truyền thống giảm thì tỉ lệ chọi rất cao, cơ hội cho bọn em cũng thấp'', em Vũ Thanh Thủy, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên, Tuyên Quang không khỏi lo lắng.

Cũng như Thủy, em Hoàng Thị Thương, học sinh trường THPT Liên Hoa chia sẻ: ''Em đăng ký trường Dược, năm ngoái khoa em thi đã lấy 26,25 điểm. Em lo lắng nhất lúc này là điểm chuẩn cao hơn nữa''.

Đa dạng phương thức xét tuyển: Cánh cửa hẹp cho học sinh vùng khó? - Ảnh 1.

Không có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh lại càng khó khăn. Dù là trường nằm trên địa bàn trung tâm của tỉnh Tuyên Quang, tuy nhiên toàn trường Nguyễn Văn Huyên cũng chỉ có một vài em tham gia phương thức này.

Cô Đào Thị Lệ Yên, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Huyên cho biết: ''Vẫn rất khó khăn với các em. Với các em ở vùng cao, việc phát âm là một trở ngại khi thi các phần thi nói''

Nghiên cứu đề án tuyển sinh của một số trường đại học top trên, nhiều ý kiến cho rằng các trường này đang lạm dụng việc xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh.

Thầy giáo Ma Văn Thế, Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Hoa cho rằng: ''Nên điều chỉnh giữa các khoa, ví dụ với môn tiếng Anh, khoa nào cần chuyên môn này mới nên xét tuyển để tạo cơ hội cho học sinh các vùng khó khăn có cơ hội vào trường top trên''.

Điều chỉnh chiến lược ôn tập, đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển sẽ là áp lực không nhỏ khi năm học này, phần lớn các em phải ôn tập trực tuyến quá dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước