Đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm học 2024-2025

H.M-Thứ bảy, ngày 29/06/2024 06:11 GMT+7

Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định ngành Giáo dục đã và đang đáp ứng đủ chỗ học cho con em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

VTV.vn - Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung năm học 2024-25, các cơ sở giáo dục vẫn đảm bảo đủ 100% chỗ học cho các em học sinh trên địa bàn.

Đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2023-24, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh là 347.962 em (chiếm tỷ lệ 20,67% tổng số học sinh của cả Thành phố). Bình quân, mỗi năm số học sinh tăng thêm các cấp học là khoảng 25.000 em, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh trên mỗi lớp vượt cao so với chuẩn – đặc biệt là ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2024-25, ngành Giáo dục vẫn đảm bảo 100% chỗ học cho các em học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, Chiến lược phát triển giáo dục của TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030 "Tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt 40% (cơ sở) và 30% (học sinh); đến năm 2030, tỷ lệ tương ứng đạt 50% (cơ sở) và 35% (học sinh)". Hiện nay tỷ lệ học sinh THPT học tại các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, loại hình công lập đạt tỷ lệ chiếm 80% tổng số học sinh (ngoài công lập chiếm 20%). Ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đang phấn đấu thực hiện lộ trình theo Chiến lược phát triển giáo dục đã được phê duyệt và Đề án "giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, do đó số các trường THPT công lập đã và đang đáp ứng đủ chỗ học cho con em trên địa bàn Thành phố, tuyển sinh được những em học sinh đủ điều kiện, năng lực, sở trường để tiếp tục theo học bậc THPT.

Tuy nhiên hiện nay, số trường THPT phân bố không đồng đều tất cả các khu vực, áp lực tuyển sinh tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình, Quận 12, thành phố Thủ Đức. Ủy ban nhân dân Thành phố đã triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dự kiến mục tiêu đến năm 2025 có 7 dự án trường trung học phổ thông sẽ được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi trên các địa bàn gồm: Quận 11 (1 dự án), Quận 12 (2 dự án), quận Gò Vấp (1 dự án), quận Bình Tân (1 dự án), Tp.Thủ Đức (1 dự án).

Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và giảm áp lực tuyển sinh tại các khu vực như quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, Thành phố Thủ Đức và các khu vực lân cận.

Thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng 4.500 phòng học

Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, ngoài vấn đề về thay đổi quy định trong quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư công, các quy định liên quan khác về quy hoạch đất đai, vướng về quỹ đất sạch để đầu tư các dự án giáo dục, một khó khăn khá lớn mà Thành phố phải đối mặt là việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học, cụ thể như sau:

+ Mầm non: 10-12m2/học sinh

+ Tiểu học: 08-10m2/học sinh

+ Trung học cơ sở: 08-10m2/học sinh

+ Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học: 10m2/học sinh

Theo đó, chỉ tiêu trên được quy định để xem xét điều kiện đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, xét đạt tiêu chí trường đạt chuẩn các cấp độ đối với các công trình trường học hiện hữu và là cơ sở để tính phương án quy mô đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới trường lớp hoặc tính chất khác khi thực hiện dưới hình thức đầu tư bao gồm cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Với định mức khá cao trong điều kiện đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, đã tạo không ít những khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.

Để tháo gỡ bất cập trên, Sở GDĐT đã có đề xuất kiến nghị và cùng với các sở ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ tại Công văn số 4686/UBND-DA ngày 19/9/2023, đến nay Bộ GDĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 lấy ý kiến góp ý các địa phương, về cơ bản dự thảo đã có lưu tâm, cập nhật nội dung về định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học để có sự thống nhất với Tiêu chuẩn quốc gia – Yêu cầu thiết kế trường học các cấp là điều kiện thuận lợi để giải quyết khó khăn trong việc tính toán quy mô các dự án trường học khi thực hiện đầu tư.

Ngoài các khó khăn chính đã nêu trên trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường lớp trên địa bàn Thành phố cũng còn một số những khó khăn liên quan khác, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổng hợp chi tiết theo đề xuất của từng địa phương đối với từng dự án để báo cáo UBND Thành phố, đề xuất sự phối hợp giải quyết của các sở ngành và luôn mong muốn được UBND Thành phố tiếp tục có những chỉ đạo thực hiện và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành và 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng 4.500 phòng học hướng đến mục tiêu chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được Thành phố phê duyệt cũng như các dự án đầu tư xây dựng trường lớp để tăng thêm mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập trên địa bàn Thành phố.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước