Đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục đại học: Cần có chính sách phù hợp với thực tiễn

PV-Thứ bảy, ngày 09/11/2019 12:06 GMT+7

VTV.vn - Đầu tư cho giáo dục đại học ngày càng được chú trọng khi nhiều năm qua.

Sáng 8/11, tại Hà nội, Chương trình Khoa học Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức chương trình Toạ đàm khoa học "Chính sách về đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục Đại học tại Việt Nam", nhằm tạo diễn đàn thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất giải pháp, chính sách đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục đại học: Cần có chính sách phù hợp với thực tiễn - Ảnh 1.

Luật sư Phan Mạnh Hùng, Kinderworld group chia sẻ tại toạ đàm

Tham gia Toạ đàm khoa học có bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, bà Joanna Woods, Tham tán, Phụ trách Giáo dục, Đại sứ Quán Australia tại Việt Nam, các Lãnh đạo, Đại diện từ các trường Đại học nước ngoài tại Việt Nam như: Đại học RMIT, Đại học Anh Quốc Việt Nam, Đại học Swinburne; các Đại học tại Việt Nam có liên kết quốc tế như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh…; các đại học ngoài công lập như Đại học FPT, Đại học Thăng Long, Đại học Hoà `bình, Đại học FLC, Đại học Phenikaa… và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục Đại học.

Đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng khi nhiều năm qua, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP, cao hơn so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao trong khu vực như Singapore (3,2% năm 2010), Thái Lan (3,8%). Quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh chóng đòi hỏi sự tìm tòi khám phá và học hỏi không ngừng, cùng với đó, sự có mặt của các trường Đại học nước ngoài đã mang đến một luồng gió mới đến với nền giáo dục Việt Nam.

Thành lập dưới dạng phân hiệu đại học nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam năm 2000, Đại học RMIT được đánh giá là một trong những trường Đại học quốc tế tốt nhất tại Việt Nam. Ông Rick Bennett, phó Hiệu trưởng RMIT:"Chúng tôi tự hào đã đóng góp cho nền kinh tế và xã hội của Việt Nam suốt 20 năm qua. Tính đến nay RMIT có hơn 6.000 sinh viên đang theo học và 15.000 cựu học viên tại Việt Nam." Đại diện RMIT cũng chia sẻ các kiến nghị về luật pháp, các chương trình đào tạo, chính sách thiết lập và vận hành các Đại học nước ngoài tại Việt Nam, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên Việt Nam khi theo học tại các cơ sở này.

Đầu tư nước ngoài cho phát triển giáo dục đại học: Cần có chính sách phù hợp với thực tiễn - Ảnh 2.

Ông Rick Bennet – Phó Hiệu trưởng RMIT chia sẻ tại toạ đàm.

Cùng chia sẻ tại toạ đàm, các Đại diện từ các trường Đại học nêu ra các kiến nghị về hành lang pháp lý, những vướng mắc về và quy định pháp luật trong quá trình thực hiện, kiến nghị về các quy định đối với khung chương trình học, các vấn đề về chính sách thúc đẩy giáo dục đại học, thu hút đầu tư quốc tế vào giáo dục đại học, quốc tế hoá giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… cùng với đó là các biện pháp để pháp triển chất lượng giảng dạy và đào tạo của các Đại học nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu công việc của các nhà tuyển dụng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cách mạng 4.0 hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước