Thực hiện kế hoạch kiểm tra mở cửa trường học, ngày 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về công tác giáo dục và đào tạo. Tại đây, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền trước khi có buổi làm việc với UBND thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GDĐT. Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỷ lệ tiêm vaccine của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng, tránh, chữa bệnh đã có bước tiến dài.
Dạy học trực tiếp đầy đủ, thống nhất để phụ huynh yên tâm làm việc và chăm sóc con cái
Trường Tiểu học Minh Tân, huyện Thủy Nguyên có 1.060 học sinh với 29 lớp. Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, báo cáo phòng giáo dục, xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, của y tế xã cho phép học sinh đi học trở lại từ ngày 24/1/2022 đến ngày 28/1/2022 đối với lớp 1,2 và từ ngày 7/2/2022 đối với học sinh toàn trường. 100% phụ huynh ủng hộ kế hoạch đi học trở lại của học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm lớp học tại Trường Tiểu học Minh Tân (huyện Thủy Nguyên)
Hiện nay, Trường Tiểu học Minh Tân chưa dạy học cả ngày mà đang giãn lớp, chia ca theo từng khối lớp. Dự kiến sau ngày 18/2, khi tình hình dịch bệnh ổn định nhà trường sẽ cho học sinh toàn trường học 2 buổi/ ngày.
Kiểm tra tại các lớp học và trò chuyện với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết tâm cũng như công tác triển khai các điều kiện để mở cửa trường học của Trường Tiểu học Minh Tân, đặc biệt các em học sinh lớp 1 đã được đi học trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán.
Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, song Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nề nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng nói, đồng thời cũng lưu ý nhà trường về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang được tiến hành ở lớp 1, lớp 2 và chuẩn bị cho lớp 3 trên tinh thần tập trung cao nhất.
Trường THCS Kênh Giang có 657 học sinh, chia làm 16 lớp. Ngày 7/2 nhà trường đã đón 621 học sinh ra lớp, 36 học sinh học trực tuyến.. Những em được đến trường đã ổn định về mặt tâm lý để học tập, đồng thời thực hiện nghiêm túc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và các quy định phòng chống dịch của nhà trường. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ điều kiện quay lại làm việc.
Bộ trưởng kiểm tra tại Trường THCS Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên)
Trong tổng số 1.740 học sinh của Trường THPT Ngô Quyền, có 1.726 học sinh đã được tiêm vaccine. Đón học sinh trở lại trường, nhà trường đã đưa ra nhiều phương án và thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Trong đó có phương án xử lý kịp thời khi phát hiện giáo viên, học sinh là F0, F1 không làm ảnh hưởng tới hoạt động dạy học chung của từng lớp và của cả trường. Công tác hỗ trợ học sinh khi các em trở lại trường, phương án dạy học nếu có giáo viên, học sinh cách ly tại nhà cũng đã được Trường THPT Ngô Quyền đặt ra cụ thể.
Trao đổi với Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, ngoài lưu ý nhà trường cần tiếp tục trạng thái bình thường mới trên tinh thần không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan để có sự ứng phó tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn các thầy cô giáo sẽ trao đổi, hỗ trợ để các em học sinh thái độ bình tĩnh, lấy hiểu biết, kiến thức các kỹ năng phòng chống dịch làm đầu để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Bên cạnh phòng chống dịch, Bộ trưởng đề nghị Trường THPT Ngô Quyền cố gắng chăm lo cho học sinh lớp 12 để các em có được kỳ thi tốt nghiệp THPT kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tập trung chuẩn bị các điều kiện thật tốt cho việc triển khai dạy lớp 10 trong năm học tới, nhất là việc tập huấn giáo viên và lựa chọn sách giáo khoa.
Ứng phó với dịch bệnh bình tĩnh, không hoảng hốt, thể hiện rõ sự hiểu biết
Báo cáo tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GDĐT với UBND thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Thành phố Hải Phòng đã sẵn sàng cho việc mở cửa lại trường học, tổ chức dạy học trực tiếp dựa trên 5 điều kiện then chốt: Cấp độ dịch của thành phố đang ở cấp độ vàng (nguy cơ trung bình). Tỉ lệ nhiễm COVID-19 trong trường học thấp. Không có ca nhiễm trong giáo viên, học sinh chuyển nặng và tử vong vì COVID-19. Tỉ lệ bao phủ vaccine trong giáo viên, học sinh và của toàn dân đã đạt yêu cầu. Các trường học đã có kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh, đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các phương án, kịch bản bảo đảm an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp.
Bộ trưởng kiểm tra tại Trường THPT Ngô Quyền
Kết quả, ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2022 (ngày 07/02/2022), 100% các trường THCS, THPT, GDTX đón học sinh trở lại học trực tiếp. Các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp, chậm nhất vào ngày 14/02/2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GDĐT. Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỷ lệ tiêm vaccine của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng, tránh, chữa bệnh đã có bước tiến dài.
Ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của thành phố Hải Phòng với giáo dục trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng đánh giá: Khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài, thành phố đã có những quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học. Khi đưa học sinh quay trở lại trường học, thành phố đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất sớm, chính vì vậy, một số trường không đợi tới sau Tết mà trước Tết Nguyên đán đã cho học sinh tới trường.
Bộ trưởng cũng ghi nhận sự chuẩn bị và việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học tại các cơ sở giáo dục ở Hải Phòng. Việc thực hiện này cho thấy tinh thần ứng phó với dịch bệnh đầy đủ, đúng phương pháp, thái độ đúng, phù hợp và bản lĩnh của các nhà trường. "Tinh thần này cần được nhân lên", Bộ trưởng nói.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. "Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ứng phó với dịch ở trường học, Bộ trưởng lưu ý, nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Những nội dung này theo Bộ trưởng đã được làm rõ trong cuốn "Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học" do Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng
Trong bối cảnh không ít trường học đang gặp khó khăn trong bố trí nhân viên y tế, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng bám sát tình hình thực tế của địa phương để có sự sắp xếp, tăng cường chuyên môn y tế thường trực cho trường học trong phạm vi có thể và phù hợp.
Nhấn mạnh tới một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ, Bộ trưởng lưu ý, cần ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết. Sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng phối hợp cùng nhà trường xử lý hiệu quả hơn.
Trong ứng phó với dịch bệnh và xử lý tình huống, Bộ trưởng cho rằng, cần tránh cả hai trường hợp: chủ quan, lơ là hoặc căng thẳng quá mức. Thời gian qua, không ít nơi do căng thẳng quá mức đã đưa ra một số phương pháp đảm bảo an toàn gây bức xúc cho phụ huynh. Động viên tinh thần cho cả thầy và trò là việc cần làm khi mở cửa trường học.
Ngoài vấn đề an toàn trường học khi mở cửa trở lại, Bộ trưởng cũng đề nghị thành phố Hải Phòng dành sự quan tâm tới học sinh các lớp cuối cấp, các em phải chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian qua, vì vậy, cần có sự hỗ trợ tối đa để các em tham gia tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi chuyển cấp sắp tới.
Đầu tư tương xứng cho giáo dục Hải Phòng
Trao đổi về nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để tương xứng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố, giáo dục cần phát triển tương xứng và cần được đầu tư tương xứng - đầu tư lớn hơn nữa. Cụ thể, thành phố cần đầu tư thêm về cơ sở vật chất, hạ tầng trong giáo dục. Đặc biệt đầu tư triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.
Đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng lưu ý, năm 2022 và 2023 là 2 năm trọng tâm triển khai chương trình, vì vậy, rất mong lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo và hỗ trợ ngành Giáo dục cao nhất để thực hiện thành công chương trình này. Trong đó, các yếu tố như đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo số lượng và chất lượng giáo viên có vai trò rất quan trọng.
Để giải quyết bài toán về giáo viên cho các môn tin học, ngoại ngữ, Bộ trưởng gợi mở, cần kết hợp đa dạng các phương án: đào tạo, tập huấn, tăng biên chế, huy động từ các đại học, ứng dụng CNTT/bài giảng điện tử. Nhưng trong đó, cốt yếu vẫn là chất lượng đội ngũ giáo giảng viên (phương pháp, nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra đánh giá).
Ngoài chăm lo cho giáo dục đại trà, theo Bộ trưởng, Hải Phòng cũng cần dành sự quan tâm hơn nữa cho giáo dục mũi nhọn, cho khối học sinh giỏi, học sinh chuyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!