Về dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đây là việc chủ động của ngành Giáo dục, không phải bị động đến khi đại dịch mới làm. Đại dịch COVID-19 tạo ra áp lực, ngành Giáo dục đã chuyển áp lực thành động lực và thực hiện được.
Bộ trưởng Nhạ cũng nhấn mạnh, dạy học trực tuyến không phải là phương thức tình thế và cho biết, tới đây phương thức này sẽ tiếp tục được triển khai, cộng hưởng với trực tiếp.
"Nếu làm tốt được việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kĩ năng hiện đại trong và ngoài nước mà còn rất thiết thực rút ngắn thời gian học trên lớp. Rút ngắn thời gian mà chất lượng vẫn đảm bảo", Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo đó, để thực hiện, ngành Giáo dục cần đưa 6 phần việc vào chương trình hành động để thực hiện một cách bài bản, thường xuyên, thúc đẩy đào tạo trực tuyến.
Trước hết, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin: phần mềm, kết nối đầu cuối, đảm bảo an ninh, an toàn trong môi trường mạng... Về vấn đề này, Bộ trưởng lưu ý, cần có sự hỗ trợ của các tập đoàn, công ty công nghệ, nhà mạng.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, hiện nay hệ thống hạ tầng về CNTT chưa đồng bộ, đâu đó tắc nghẽn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, đến tổ chức quản lí. Do đó, cần tập trung để nâng cấp. Đối với máy chủ, đường truyền, không nhất thiết phải mua sắm hết mà nên thuê các công ty, tập đoàn lớn để có đường truyền băng thông rộng, ổn định.
Phần mềm quản lí dạy học cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Vừa rồi nhiều nhà trường sử dụng phần mềm không ổn định dẫn đến quá trình tổ chức dạy học, đặc biệt là kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của người học không tốt. Do đó, cần quan tâm đến việc nâng cấp, mua bản quyền phần mềm.
Về thiết bị kết nối đầu cuối, nhà trường phải mua sắm để kết nối trung tâm với nơi nhận các tổ chức các dịch vụ. An toàn, an ninh mạng cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bảo mật thông tin cho người học và người dạy, các bài giảng, an toàn trong môi trường mạng đối với học sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, dạy học trực tuyến là việc chủ động của ngành Giáo dục, không phải giải pháp tình thế trong đại dịch COVID-19.
Đối với việc xây dựng kho học liệu số, Bộ trưởng gợi ý, nên chọn những giáo viên có kinh nghiệm để thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tỉnh giản để có kho học liệu dung chung. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tích cực tham gia đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa và chính ngành Giáo dục được hưởng lợi từ đây. Tới đây, việc xây dựng kho học liệu phải được tiếp tục, từng bước số hóa học liệu, trong đó có sách giáo khoa điện từ, các bài giảng điện tử để các thầy cô chia sẻ và kết nối. "Qua số hóa sẽ giảm được rất nhiều sổ sách, thủ tục, từ đó giảm áp lực cho giáo viên".
Ba là, tăng cường tập huấn đối với giáo viên. Biểu dương đội ngũ giáo viên thời gian qua đã rất nỗ lực, cố gắng để triển khai dạy học trực tuyến trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Bộ trường đồng thời lưu ý, thời gian tới, cần phải tập trung cho tập huấn, hướng dẫn phương pháp sư phạm cho giáo viên về dạy trực tuyến, để dạy học trực tuyến trở thành nghề chứ không đơn thuần chỉ biết công nghệ là dạy được.
Nâng cao tính tự giác và kĩ năng sử dụng mạng cho học sinh cũng là một trong những nội dung cần quan tâm. Lớp học ảo cũng như lớp học như thật. Bởi vậy học sinh cũng phải được hướng dẫn để nâng cao tính tự giác và trách nhiệm học tập. Đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng để phòng tránh tác động không mong muốn, tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng.
"Học sinh cũng phải được hướng dẫn nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của các em, nhất là những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng. Đối với mỗi nhà trường, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp phải được thực hiện bài bản, tiết học nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô chưa tích cực tham gia vào chuyển đổi số" - Bộ trưởng chỉ đạo.
Năm là, nhiệm vụ của các nhà trường. Tới đây, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp tiếp tục được thực hiện. Những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy cô không tham gia vào chuyển đổi số hoặc có hành vi vượt quá giới hạn.
Về trách nhiệm của các cấp quản lý, Bộ trưởng Nhạ cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để mọi người áp dụng. Trong đó có tổ chức đánh giá, đảm bảo tính minh bạch, nghiêm túc, trung thực. Việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến cũng phải rõ ràng, công khai, minh bạch, căn cứ vào đó người cung cấp dịch vụ giáo dục và người nhận dịch vụ thống nhất.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, cần xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu có chuẩn kết nối thông suốt trong hệ thống. Bộ GD&ĐT sẽ sớm xây dựng trung tâm điều hành giáo dục, kết nối thông tin tới từng sở, phòng, cơ sở giáo dục, đảm bảo thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định chính xác.
"Phương thức tổ chức dạy học có áp dụng công nghệ để thành thục, hiệu quả cần rất nhiều cố gắng từ các bên. Với những gì làm được thời gian qua, với quyết tâm của các địa phương, nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội, mục tiêu phát triển dạy học trực tuyến tới đây sẽ thành hiện thực và trở thành công cụ, phương thức không thể thiếu", Bộ trưởng kết lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!